Các nhà khoa học nghiên cứu hài cốt một phụ nữ mang song thai tại nghĩa địa thời Đồ Đồng, khoảng năm 2150 - 1500 trước Công nguyên ở phía nam Budapest, Hungary. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PLOS One hôm 28/7.
Người phụ nữ mang song thai được hỏa táng, sau đó chôn trong một chiếc bình cùng nhiều đồ xa xỉ như vòng cổ đồng, vòng cài tóc vàng, kim hoặc ghim bằng xương. Hình dáng bên ngoài của chiếc bình không quá đặc biệt nhưng những đồ vật giá trị bên trong cho thấy người phụ nữ này có địa vị cao, theo trưởng nhóm nghiên cứu Claudio Cavazzuti, chuyên gia tại Khoa Lịch sử và Văn hóa thuộc Đại học Bologna.
Đến nay, các nhà khoa học đã khai quật được 525 ngôi mộ ở nghĩa địa phía nam Budapest. Đây là một trong những nghĩa địa lớn nhất được biết đến ở Hungary vào thời kỳ này, theo Cavazzuti. Ông cũng cho biết, có thể còn vài nghìn ngôi mộ thời Đồ Đồng tại đây vẫn chưa được khai quật. Những ngôi mộ này thuộc nền văn hóa Vatya, phát triển từ khoảng năm 2200 đến năm 1450 trước Công nguyên.
Cavazzuti cùng đồng nghiệp tiến hành phân tích chuyên sâu 29 ngôi mộ, gồm 26 được hỏa táng và 3 được chôn bình thường. Trừ người phụ nữ và cặp song thai, tất cả số mộ này đều chỉ chứa hài cốt một người, phần lớn có đồ tùy táng đơn giản bằng gốm hoặc đồng. Khoảng 20% ngôi mộ Vatya trong nghĩa địa chứa đồ tùy táng bằng kim loại, nhưng những món đồ giá trị như của người phụ nữ là rất hiếm.
Hài cốt trẻ nhất là cặp song thai, chỉ khoảng 28 - 32 tuần. Trong khi đó, người phụ nữ thượng lưu khoảng 25 - 35 tuổi. Phân tích xương chỉ ra, bà được hỏa táng trên một giàn thiêu lớn, nhiều khả năng cháy suốt vài giờ. Khi lửa tắt, tro cốt được thu thập cẩn thận hơn bình thường, trọng lượng xương cao hơn 50% mức trung bình (so với các mộ hỏa táng khác).
Vì được chôn cùng cặp song thai nên nhiều khả năng người phụ nữ chết do các biến chứng liên quan đến sinh nở. Các phân tích hóa học cho thấy, cô sinh ra ở nơi khác và chuyển đến khu vực này lúc khoảng 8 - 13 tuổi. Bên cạnh đó, vòng cổ đồng và vòng cài tóc vàng trong mộ cũng tương tự với những món đồ giá trị được tìm thấy trong các khu chôn cất ở Trung Âu.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng phụ nữ ở châu Âu, đặc biệt là những người địa vị cao, kết hôn ngoài địa phương ít nhất từ cuối thời Đồ Đá Mới hoặc thời Đồ Đồng Đá (khoảng năm 3200 - 2300 trước Công nguyên). Thời Đồ Đồng, phụ nữ trong các cộng đồng ở châu Âu khi kết hôn phần lớn sẽ phải tới sống ở nhà chồng. Có lẽ những cuộc hôn nhân này rất quan trọng với giới thượng lưu mới nổi, giúp tạo dựng hoặc củng cố quyền lực chính trị và liên minh quân sự, đồng thời đảm bảo sự hợp tác kinh tế, Cavazzuti nhận định.
Thu Thảo (Theo Live Science)
- Khai quật hàng trăm hài cốt thời Trung Cổ trên bãi biển
- Quan tài đá lưu giữ hai hài cốt 2.000 năm