Theo TechSport, Công ty điện lực Talen Energy (Mỹ) đang có kế hoạch phát triển một cơ sở khai thác tiền điện tử quy mô lớn cùng một trung tâm dữ liệu nằm liền kề với một nhà máy điện hạt nhân ở Pennsylvania.
Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2022, với công suất ở giai đoạn đầu là 164 MW. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ đạt công suất 300 MW, và dự kiến sẽ tăng lên 1 GW trong tương lai. Lượng điện cung cấp từ nhà máy sẽ đảm bảo cho mỏ đào tiền điện tử của Cumulus Coin - công ty con của Talen Energy chạy liên tục 24/7.
Sơ đồ nhà máy điện hạt nhân và cơ sở đào coin của Talen Energy
Không chỉ Talen Energy, một số doanh nghiệp điện lực khác tại Mỹ cũng đang ‘dấn thân’ vào mảng khai thác tiền điện tử. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh điện hạt nhân Energy Harbour Corp mới đây cũng đã hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ khai thác Bitcoin Standard Power để ‘đào’ tiền điện tử bằng năng lượng hạt nhân.
Theo kế hoạch, Standard Power sẽ xây dựng cơ sở khai thác Bitcoin tại một nhà máy bỏ hoang ở Coshocton, tiểu bang Ohio (Mỹ). Cơ sở này sử dụng năng lượng từ các nhà máy điện hạt nhân của Energy Harbour, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
"Chúng tôi đảm bảo 100% nguồn năng lượng sử dụng cho cơ sở khai thác này này sẽ không tạo ra phát thải carbon", CEO Standard Power, Maxim Serezhin, cho biết.
Một số chuyên gia nhận định, việc sử dụng năng lượng sạch để khai thác Bitcoin có thể coi là nỗ lực để đồng tiền điện tử này trở nên "xanh" hơn và dễ được chấp nhận hơn đối với các nhà đầu tư chính thống.
Khác với tiền được làm từ giấy, nhựa hay kim loại, Bitcoin là một loại tiền điện tử, được tạo ra khi các máy tính công suất cao cạnh tranh với nhau để giải các câu đố toán học phức tạp. Đây là một quá trình sử dụng nhiều năng lượng thường dựa trên điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch.
Khi giá Bitcoin tăng mạnh trong khi việc đào đồng tiền này ngày càng khó hơn, nhiều "thợ đào" ra sức sử dụng các máy tính có khả năng tính toán siêu mạnh để có thể ‘giành’ được Bitcoin. Những thiết bị này lại ngốn rất nhiều năng lượng.
Theo chỉ số được đo đạc bởi Đại học Cambridge (Anh), hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu tiêu tốn tới 128,84 TWh mỗi năm, nhiều hơn cả lượng điện năng tiêu thụ hàng năm ở các quốc gia như Ukraine hay Argentina. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng lượng khí thải carbon hàng năm từ lượng điện năng cần thiết phục vụ khai thác và giao dịch Bitcoin có thể tương đương với toàn bộ khí thải carbon của Hồng Kông.
Lấy link