Theo Business Insider, các diễn biến đầu tiên của vụ lừa đảo này đã bắt đầu nhen nhóm vào tháng 4/2021 – thời điểm giá Bitcoin đạt mức đỉnh cao nhất mọi thời đại. Vào thời điểm đó, Ameer Cajee – người anh trai, giữ vị trí COO của sàn đầu tư tiền điện tử Africrypt đã thông báo sàn giao dịch tiền điện tử này vừa trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng, khiến toàn bộ tiền điện tử có trong tài khoản của người dùng trên sàn bị đánh cắp.
Tuy nhiên, trong một động thái hoàn toàn bất ngờ, COO Ameer đã đề nghị các nhà đầu tư giữ kín thông tin vụ việc và không báo cáo tới nhà chức trách, vì điều này sẽ cản trở nỗ lực thu hồi số tiền điện tử đã bị chiếm đoạt.
Bất chấp thông báo từ phía Ameer, một số nhà đầu tư do cảm thấy nghi ngờ về vụ việc đã quyết định thuê một công ty luật có tên Hanakom Attorneys để truy tìm tung tích 2 anh em Ameer Cajee và Raees Cajeee, vốn cũng là những người sáng lập nên nền tảng AfriCrypt.
2 anh em Ameer Cajee và Raees Cajeee đã thành lập sàn AfriCrypt vào năm 2019, khi đang ở độ tuổi 18 và 15
"Chúng tôi ngay lập tức cảm thấy nghi ngờ khi Africrypt đề nghị nhà đầu tư không nên thực hiện các hành động pháp lý. Trong khi đó, các nhân viên của Africrypt lại bị mất quyền truy cập vào nền tảng back-end của sàn giao dịch này ngay 1 tuần trước khi vụ tấn công mạng xảy ra", Hanekom Attorneys nói trong một email trả lời Bloomberg.
Hanekom Attorneys sau đó đã cố gắng truy tìm 2 anh em Ameer Cajee và Raees Cajeee. Tuy nhiên, Ameer, 20 tuổi, cùng với người em trai là Raees, 17 tuổi, đã biến mất không chút dấu vết. Mọi nỗ lực liên lạc qua điện thoại với 2 người sáng lập sàn AfriCrypt cũng không thể thực hiện được. Website của công ty cũng bị đóng.
Cuộc điều tra mà công ty luật này tiến hành sau đó cho thấy tất cả tiền điện tử được sàn AfriCrypt nắm giữ (bao gồm cả tiền trong tài khoản và ví của người dùng trên sàn) đã được chuyển ra. Tổng số Bitcoin bị ‘bốc hơi’ lên tới 69.000 BTC, tương đương với khoảng 3,6 tỷ USD vào thời điểm vụ việc diễn ra. Các luật sư Hanekom Attorneys đã lập tức yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử trên khắp thế giới báo động nếu họ nhận thấy bất kỳ sự chuyển đổi đáng ngờ nào. Tuy nhiên, số Bitcoin nói trên đã được phân tán và luân chuyển nhiều lần tới nhiều địa chỉ ví và sàn giao dịch khác để ‘xóa dấu vết’.
Đáng nói, nhà chức trách Nam Phi cũng gặp khó trong quá trình điều tra vụ việc. Cơ quan quản lý ngành tài chính của Nam Phi cho biết các vấn đề liên quan đến tiền điện tử không thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan này. Tiền điện tử cũng không được luật pháp Nam Phi coi là tài sản hợp pháp. Do vậy, cuộc điều tra vẫn chưa được tiến hành.
Vào năm ngoái, một sàn giao dịch tiền điện tử khác tại Nam Phi là Mirror Trading International cũng đã bất ngờ ‘bốc hơi’, khiến các nhà đầu tư trên sàn giao dịch này bị thiệt hại 23000 Bitcoin, trị giá 1,2 tỷ USD. Đây được coi là vụ lừa đảo lớn nhất năm 2020 trong lĩnh vực tiền điện tử – theo một báo cáo của Chainalysis.
Tham khảo Business Insider / Bloomberg
Lấy link