Vào năm ngoái, tôi đã có cơ hội được trải nghiệm cặp tai nghe . Cặp tai nghe đó có chất lượng âm thanh hay đến mức sau khi mượn sản phẩm đánh giá tôi đã bỏ tiền túi ra để mua về sử dụng mặc dù thời điểm đó vẫn còn rất lượng lự về việc có mua True Wireless hay không, khi mà bản thân là một người đã tin tưởng vào tai nghe có dây trong nhiều năm qua.
Đến 2021, bên cạnh việc ra mắt phiên bản nâng cấp của cặp Falcon (mang tên Falcon 2), Noble còn ra mắt một cặp tai nghe mang tên Falcon Pro, với "sứ mệnh" đem tới chất lượng âm thanh còn cao cấp hơn nhờ việc trang bị nhiều màng loa trong một bên tai. Với mức giá lên tới 8 triệu Đồng - bước nhảy gấp 2 cặp Falcon đầu tiên thì quả thực kỳ vọng của tôi đối với cặp tai nghe này là rất lớn!
Dù sản phẩm có đắt đến mấy thì cách đóng hộp của Noble vẫn giữ nguyên, không khác gì so với cặp Falcon cả!
Mở hộp ta sẽ thấy một chiếc hộp đựng phụ kiện ở dưới, tai nghe cùng hộp sạc được đặt gọn gàng trong lớp mút dày ở trên.
Phụ kiện của Falcon Pro bao gồm một sợi dây USB Type-C, túi đựng vải và 2 bộ mút cao su. Hộp sản phẩm không có gì khác biệt thì không sao, nhưng lượng phụ kiện không thay đổi sẽ là nhược điểm nhỏ đáng nói, hãng có thể thêm các loại mút hay một bộ vệ sinh tai nghe gì đó thì sẽ tốt hơn.
Điểm khác biệt đầu tiên của Falcon Pro đó là phần hộp sạc. Hộp đã "phình" ra khá nhiều, với thể tích lớn hơn khoảng 1.5 lần so với hộp của cặp Falcon thế hệ đầu tiên. Hãng làm vậy để tích hợp một viên pin lớn hơn, tăng thời lượng sử dụng tổng cộng của tai nghe từ 40 tiếng lên 50 tiếng, và vẫn giữ nguyên thời gian sử dụng liên tục là 10 tiếng.
Phải thú thật rằng trong 1 năm sử dụng cặp Falcon, tôi đã cảm thấy rất hài lòng về chất lượng pin của cặp tai nghe, đôi lúc sử dụng ít tôi phải 3 - 4 tuần mới sạc 1 lần. Vì vậy mà việc hãng tăng thời lượng pin là điều đáng hoan nghênh, nhưng tôi cũng không cảm nhận được sự khác biệt. Có lẽ với ai sử dụng tai nghe với tần suất cao hơn tôi sẽ thấy được rõ nâng cấp này hơn.
Thiết kế của phần đeo tai cũng có sự thay đổi, nhưng không nhiều như ở hộp sạc. Đây vẫn là một cặp tai nghe In-ear với phần ống âm dài, mặt ngoài thay vì được làm hình elip tròn thì giống với giọt nước hơn. Mặt ngoài ta vẫn có logo vương miện của Noble, được in với màu khá là chìm và phải tới rất gần hoặc đưa ra dưới nắng mới nhìn rõ được.
Một nâng cấp trong thiết kế của cặp tai nghe này đó là chuyển từ dùng nút bấm vật lý sang cảm ứng. Những cặp tai nghe đến từ Noble có cách đeo rất là sâu trong ống tai, và khi dùng bấm nút bấm vật lý thì cảm giác như đang "chọc" tai nghe gần với màng nhĩ vậy, không thoải mái cho lắm. Phiên bản Falcon Pro đã giải quyết vấn đề bằng việc trang bị cảm ứng, bắt kịp với những sản phẩm True Wireless cao cấp hiện nay.
Không chỉ có những thay đổi về thiết kế bên ngoài, những nâng cấp của Falcon Pro còn ẩn chứa bên trong. Hãng đã sử dụng chip điều khiển mới mang tên Qualcomm QCC3040 thay cho QCC3020, với ưu điểm là sử dụng Bluetooth 5.2 mới để tăng độ ổn định, và cũng giúp tai nghe chỉ hiện là 1 thiết bị trên smartphone thay vì thành 2 bên trái phải riêng biệt như phiên bản đầu tiên.
Điểm chắc chắn sẽ làm nhiều người cảm thấy "khó hiểu" đó là tại sao cặp tai nghe này không được tích hợp chống ồn chủ động ANC? Rất nhiều những cặp tai nghe có giá bán chỉ một nửa thậm chí 1/3 Falcon Pro đã được tích hợp nó rồi, thì tại sao tai nghe có giá bán lên tới 8 triệu Đồng như nó lại không có cơ chứ?
Như đã đề cập, cặp tai nghe có thiết kế với ống âm rất dài giống hệt so với phiên bản Falcon thế hệ đầu tiên, và nếu như chọn đúng loại đệm thì chất lượng chống ồn tự nhiên cũng đã rất tốt rồi, từ những môi trường như ở nhà, gym, quán café đến các cung đường yên tĩnh thì cặp tai nghe này vẫn đảm nhiệm được tốt nhiệm vụ chặn các tiếng ồn ở bên ngoài. Nhưng so với những cặp tai nghe có ANC như WF-1000XM3 hay AirPods Pro, Falcon Pro vẫn thiếu khoảng 15 - 20% khả năng chống ồn nữa để trở nên hoàn hảo.
Một khi đã đầu tư một cặp tai nghe đắt tiền như vậy, người dùng sẽ mong chờ rằng tất cả mọi thứ đều phải đạt đến mức độ "max", trong đó có cả khả năng chống ồn nữa, vì vậy mà đây sẽ trở thành điểm trừ của Falcon Pro!
Giao diện phần mềm điều khiển Noble Sound Suite
Từ khi ra mắt cặp tai nghe True Wireless đầu tiên, Noble cũng đã kịp phát triển phần mềm điều khiển tai nghe trên smartphone tên là Noble Sound Suite. Trong ứng dụng, ta có thể xem lượng pin còn lại của tai, cập nhật phần mềm, điều chỉnh công dụng của các nút cảm ứng, bật tắt tính năng nghe ngóng môi trường (Hear-through) và điều chỉnh chất âm bằng Equalizer.
Rất nhiều những đánh giá 1 sao, thường là việc ứng dụng không nhận tai nghe
Có khá đầy đủ tính năng nhưng độ ổn định của ứng dụng này là rất kém. Trong quá trình sử dụng tôi gặp khó khăn trong việc kết nối tai nghe với ứng dụng, nhiều lúc Falcon Pro đã kết nối với smartphone nhưng ứng dụng Sound Suite vẫn bắt phải kết nối lại một lần nữa. Lướt một lượt qua những đánh giá của ứng dụng trên Google Play Store thì có vẻ nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự, và chắc chắn trong thời gian tới hãng cần phải cập nhật nó để ổn định hơn chứ không để tình trạng tiếp diễn được.
Không có chống ồn chủ động, phần mềm hỗ trợ cũng "lúc được lúc không" thì tại sao cặp tai nghe này lại có chữ "Pro" trong tên. Định nghĩa của chữ "Pro" của những hãng tai nghe chuyên về âm thanh và những hãng công nghệ nói chung là rất khác nhau, vì yếu về mặt tính năng nhưng Falcon Pro được "dồn" rất nhiều vào việc tái tạo âm thanh.
Falcon Pro sở hữu hệ thống màng loa Hybrid, kết hợp một màng Dynamic phủ Titan dành cho âm trầm và 2 màng Balance Armature cho dải trung và cao - cho cả 2 bên tai. Tức là trong một cặp tai nghe nhỏ bé này ta có 2 loại màng loa, 6 chiếc khác nhau chỉ để đưa âm thanh tới tai người dùng.
Kiểu thiết kế màng loa Hybrid cũng không còn mới trong thị trường tai nghe có dây cao cấp, nhưng số lượng sản phẩm dạng True Wireless chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay. Việc tích hợp nhiều màng loa sẽ giúp mỗi chiếc thực hiện được tốt nhất nhiệm vụ của mình là tái tạo 1 dải âm duy nhất thay vì phải "quán xuyến" tất cả, nhưng cũng khiến thiết kế của tai nghe phức tạp hơn, giá bán cũng vì vậy mà tăng lên nhanh chóng.
Vậy Falcon Pro nghe như thế nào? Mặc dù có nhiều màng loa hơn, các công nghệ màng loa cũng khác biệt hoàn toàn so với cặp tai nghe Falcon thế hệ đầu tiên nhưng kiểu âm chung của Falcon Pro vẫn khá giống với cặp Falcon, đó là một chất âm mang tính thiên sáng, hơi V-shape nhẹ và có phần trung cao (high-mid) được đẩy cao. Sự khác biệt nằm ở mỗi dải âm cũng như về độ chi tiết và âm trường.
Có nhiều màng loa hơn nhưng lượng âm trầm của Falcon Pro lại ít hơn so với phiên bản Falcon đầu tiên. Đánh đổi về lượng nhưng trầm của phiên bản Pro lại tăng về chất, khi mà nó được chơi một cách chắc chắn hơn, mỗi khi nhấn xuống cho cảm giác có lớp hơn so với phiên bản đầu. Đây vẫn sẽ là một âm trầm mạnh hơn trung bình, ta có thể cảm nhận được rõ ràng từng âm trống chân trong bài của nhóm Pomplamoose, chỉ là ta biết chắc rằng nó sẽ ngắt nhanh sau khi đã nổi lên mà thôi.
Được trang bị những màng loa Balance Armature cho dải trung và cao, không ngạc nhiên khi 2 dải âm này của Falcon Pro ngả về hướng sáng. Trong bài nhạc jazz, giọng ca sĩ nữ Alexis Cole nhẹ và hơi lùi về phía sau, nhưng qua cách thể hiện của Falcon Pro thì vẫn khá nổi bật, đặc biệt là phần trung cao (high-mid) được làm sáng, không bị cắt gọt một chút nào. Kiểu giọng ca sĩ nổi bật và sáng của Falcon Pro đôi lúc cũng tạo ra âm chói (sibalance) với những bài nhạc được thu âm kém, nhưng hiện nay cũng đã ít các bản thu âm gặp hiện tượng này rồi nên không phải là nhược điểm lớn.
Xu hướng âm sáng và nổi bật cũng được tiếp diễn ở dải cao, khi nó chạm được đến những tần số cao nhất mà không có cảm giác bị "mềm" đi một chút nào. Âm cao được thể hiện sắc, nhưng mỗi khi nổi lên thì đều rất "tơi", khả năng ngắt chính xác - một thế mạnh của loại màng loa Balance Armature so với Dynamic.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Falcon "thường" và Pro nằm ở khả năng tái tạo chi tiết và âm trường (độ rộng âm thanh). Cả 2 đều được thể hiện ở mức "khá" ở thế hệ đầu tiên, nhưng Falcon Pro đưa nó lên một tầm cao mới, mà trước đây tôi chưa được trải nghiệm trong một cặp tai nghe True Wireless. 2 yếu tố kết hợp giúp cho Falcon Pro nghe giống một cặp tai In-ear có dây chất lượng cao, được set-up kỹ càng, hơn là một sản phẩm đang truyền nhạc qua Bluetooth.
Trong cùng tầm giá, Noble Falcon Pro đã "chạm mặt" một đối thủ rất sừng sỏ là cặp Sennheiser Momentum True Wireless 2 - một cặp tai nghe đã rất nổi tiếng và cũng đến từ hãng đã có tên tuổi tại Việt Nam.
Lợi thế lớn nhất của cặp Momentum TWS 2 đó là việc được sở hữu khả năng chống ồn chủ động - có thể coi là điểm yếu khá lớn của Falcon Pro. Như đã đề cập ở trên, khả năng chống ồn tự nhiên của Falcon Pro đã là khá tốt, nhưng khó lòng có thể bằng được cặp tai nghe đến từ Sennheiser khi được đeo khít và thêm cả ANC nữa.
Tiếp theo, phần mềm của Sennheiser cũng có tính hoàn thiện cao hơn. Phần mềm này thực ra cũng không hoàn hảo đâu, đôi lúc tôi vẫn gặp những lỗi nhỏ và hiện nay cũng chỉ được đánh giá khoảng 2.8 / 5 sao trên Google Play Store, nhưng vẫn hơn Noble Sound Suite là điều chắc chắn.
Trước đây tôi cũng đã phàn nàn về việc điều chỉnh EQ trên phần mềm của Sennheiser khá "dở hơi" với giao diện đồ họa khó hiểu, và giờ họ cũng đã chỉnh lại về các thanh điều khiển trực quan, dễ sử dụng hơn rất nhiều.
Phần mềm Sennheiser hoàn thiện cao hơn mặc dù vẫn chưa phải là hoàn hảo
Thế nhưng về âm thanh thì một lần nữa Falcon Pro lại tỏa sáng. Sennheiser Momentum TWS 2 không phải là một cặp tai nghe tệ, và nó thực hiện được đúng nhiệm vụ của hãng âm thanh Đức đặt ra cho nó là đem tới chất âm phù hợp với nhiều người nhất có thể.
Đó là một kiểu âm nghe tạp, với các dải âm khá đều nhau và không có bất cứ một thứ gì làm ta phải ngạc nhiên cả. Thế nhưng cách thể hiện này khá là "an toàn", có thể phù hợp với nhiều người nhưng lại không được làm ra để dành cho riêng ai, có thể chơi được nhiều loại nhưng lại không làm được bài nhạc nào trở nên nổi bật cả.
Trái ngược với đó Falcon Pro đem tới một chất âm gây được ấn tượng ngay từ lần đầu nghe, đặc biệt là với phần trung cao và cao đẩy tới gần với giới hạn của chúng. Đây không còn là một chất âm "dễ nghe" nữa, nhưng có khả năng bắt người nghe phải chú ý đến những chi tiết trong bài nhạc, làm nó nổi bật như đang diễn ra ngay trước mặt vậy. Chắc chắn sẽ có người không thích Falcon Pro vì kiểu âm này, nhưng với những ai đã cảm thấy nghiền thì chắc chắn sẽ cảm thấy Momentum TWS 2 thật nhàm chán!
Hay thì hay thật nhưng khó thì càng khó!
Những cặp tai nghe như Noble Falcon và giờ là Falcon Pro thực sự làm tôi phải suy nghĩ về câu hỏi: "Tai nghe True Wireless được dùng để làm gì?". Chúng là một món phụ kiện toàn năng như các sản phẩm của các hãng smartphone hay chỉ đơn giản để phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc giống như những cặp tai nghe có dây trước đây? Với cặp tai nghe Falcon thế hệ đầu, khả năng tái tạo âm thanh vượt trội của nó dễ dàng khiến tôi bỏ qua tất cả những yếu tố khác, chậc lưỡi bỏ qua "phần mềm kèm theo để làm gì chứ" hay "không có chống ồn chủ động cũng được!"
Với Falcon Pro thì đây lại là một câu chuyện khác. Đúng là cặp tai nghe này có chất lượng âm thanh rất cao, thậm chí nâng tầm những gì một cặp tai nghe không dây True Wireless có thể làm được. Những với mức giá gấp đôi (và ở thị trường second-hand thì là gấp 3) phiên bản đầu tiên, các yếu điểm về công nghệ của nó trở nên khó bỏ qua hơn khá nhiều, đặc biệt khi đặt cạnh cặp Sennheiser Momentum True Wireless sở hữu ANC.
Từ đó nó sẽ chỉ dành cho những người thực sự nghiêm túc với việc chơi nhạc, có lẽ là chuyển từ những cặp tai nghe có dây cao cấp và không thể hài lòng với những lựa chọn True Wireless khác hiện nay trên thị trường!
Lấy link