Bùn trôi vẫn tấn công ngôi làng Indonesia sau 15 năm

Bùn phun từ một cánh đồng ở Đông Java tiếp tục trào ra, đe dọa chôn vùi nhà cửa và gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân ở làng Sidoarjo.


Muanisah, cư dân ở ngôi làng thuộc tỉnh Đông Java, nhớ lại ngày cô ôm con trai 40 ngày tuổi trong tuyệt vọng khi bé bị khó thở. Đó là ngày 29/5/2006, khi sắp ăn sáng, Muanisah ngửi thấy mùi cay nồng khiến cô nghĩ con trai cô khóc vì khó thở. "Bé há miệng vì không thể thở được. Tôi lo sợ con tôi gặp vấn đề gì đó", Muanisah kể lại.


Không để ý mùi cay đó gì, Muanisah chạy ra khỏi nhà nhưng vẫn ngửi thấy mùi đó. Cô quyết định bắt xe và tới nhà mẹ đẻ ở cách đó vài kilomet, nơi không khí trong lành hơn. Tại đó, con trai Muanisah bắt đầu thở bình thường trở lại. Nhà chức trách địa phương kết luận đó là một vụ rò rỉ khí gas.


Nhưng vài ngày sau đó, nguyên nhân dẫn tới mùi cay nồng được xác định là do bùn trôi phun ra giữa cánh đồng ở làng Sidoarjo, Đông Java, chỉ cách nhà của Muanisah 200 m. Hiện nay, sau 15 năm, bùn trôi đã chôn vùi hàng nghìn ngôi nhà, nhà máy và cửa hàng, bao phủ khu vực rộng hơn 650 ha và không có dấu hiệu ngừng chảy. Đây là nguyên nhân làm gián đoạn cuộc sống của 60.000 người, buộc họ phải sơ tán hoặc thích nghi với điều kiện khó chịu. Bùn trôi cũng sinh ra methane, một khí nhà kính mạnh gây ấm lên toàn cầu và dẫn tới biến đổi khí hậu.


Nghiên cứu hồi tháng 2/2021 của nhà khoa học Adriano Mazzini và cộng sự chỉ ra bùn trôi giải phóng 100.000 tấn methane vào khí quyển hàng năm. Đây là khu vực có lượng thải khí methane cao nhất từng được ghi nhận đối với sự kiện giải phóng khí tự nhiên. Nguyên nhân tạo ra bùn trôi vẫn là chủ đề gây tranh cãi cho tới ngày nay. Một số chuyên gia cho rằng vụ phun trào được thúc đẩy bởi trận động đất 6,3 độ trước đó hai ngày tại Yogyakarta, cách Sidoarjo 260 km. Một số người khác nhận định hoạt động khoan dầu khí của công ty Lapindo Brantas ở gần đó là nguyên nhân.


Khudori, một trong những người mất nhà vì bùn trôi, chia sẻ về cuộc sống bất tiện. "Mùi tỏa ra quá nồng và ảnh hưởng tới cả nguồn nước. Tôi bị ngứa ngáy và khó thở", Khudori cho biết. "Ngay cả khi ở ngôi nhà mới cách đó 1,5 km, tôi vẫn ngửi thấy khó chịu. Ngay cả ở khoảng cách 5 km, mùi đó vẫn có thể ngửi thấy vào mùa mưa. Nếu đúng mùa mưa, mùi methane rất nồng.


Khudori cũng nhận thấy từ khi bùn trôi xuất hiện, Sidoarjo trở nên nóng hơn. Ông không thể làm gì để thay đổi điều kiện sống ngoại trừ uống nước đóng chai. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy nhiệt độ của lớp bùn là 60 độ C. Theo dữ liệu từ cơ quan khí tượng, nhiệt độ trung bình ở Sidoarjo đã tăng gần 1 độ C trong 15 năm qua.


Sau khi nhà riêng bị bùn chôn vùi hồi tháng 11/2006, Muanisah thuê một ngôi nhà cách chỗ ở cũ 5 km. Cô phải đeo khẩu trang ở nhà để tránh mùi bùn. "Ngay cả trước Covid-19, tôi đã quen đeo khẩu trang", Muanisah nói.


Vào thời kỳ đỉnh điểm, bùn phun ra với lượng tương đương khoảng 25 bể bơi Olympic mỗi ngày. Để đảm bảo bùn trôi không vùi lấp nhà cửa xung quanh, chính quyền địa phương đã xây bờ kè và hệ thống ống nước để dẫn bùn tới con sông gần đó. Lớp bùn chứa 80% nước, theo Pattiasina Jefry Recky, giám đốc Trung tâm kiểm soát bùn Sidoarjo (PPLS).


"Bùn từ vụ phun trào phun ra ở mức 60.000 - 90.000 m3 mỗi ngày. Chúng tôi có thể dẫn 30 triệu m3 vào sông Porong một năm, nhưng như vậy chưa đủ bởi chúng tôi gặp phải nhiều ván đề. Những chiếc tàu dùng để bơm bùn là tàu cũ nên hiệu quả công việc không cao", Pattiasina cho biết. Ngoài ra, PPLS cần đảm bảo bờ kè trụ vững. Theo Pattiasina, một số chuyên gia địa chất dự đoán bùn trôi sẽ tiếp tục trào ra trong ít nhất 40 năm nữa.


Mazzini, nhà nghiên cứu tại Trung tâm tiến hóa Trái Đất và động lực học (CEED) của Đại học Oslo, cho rằng bùn trôi ở Sidoarjo nằm giữa núi lửa magma và núi lửa bùn. Ông đã nghiên cứu từ năm 2006 và xem xét khu vực nhiều lần. Mazzini kết luận bùn trôi liên quan tới núi lửa Arjuno-Welirang đang hoạt động cách đó 20 km bởi lượng khí, nước từ bùn trôi và núi lửa giống nhau.


Sử dụng phương pháp kết hợp quan sát trên mặt đất và qua vệ tinh, nghiên cứu mới nhất của Mazzini cho thấy mật độ khí methane ở Sidoarjo rất cao so với những nơi khác tại Đông Java. Phần lớn methane có nguồn gốc từ bùn trôi. Các cơ quan chính phủ ở địa phương không biết chính xác lượng khí methane do bùn trôi giải phóng. Tuy nhiên, họ đã lên kế hoạch sản xuất pin lithium từ bùn trôi. Sigit Setyawan, giám đốc Cơ quan vệ sinh và môi trường Sidoarjo cũng chia sẻ kế hoạch hợp tác với một công ty năng lượng để sản xuất sinh khối từ bùn, tạo ra nguồn năng lương tái tạo từ năm 2019 nhưng phải tạm ngừng do Covid-19.


An Khang (Theo CNA)









Bun troi van tan cong ngoi lang Indonesia sau 15 nam


Bun phun tu mot canh dong o Dong Java tiep tuc trao ra, de doa chon vui nha cua va gay anh huong toi sinh hoat cua nguoi dan o lang Sidoarjo.

Bùn trôi vẫn tấn công ngôi làng Indonesia sau 15 năm

Bùn phun từ một cánh đồng ở Đông Java tiếp tục trào ra, đe dọa chôn vùi nhà cửa và gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân ở làng Sidoarjo.
Bùn trôi vẫn tấn công ngôi làng Indonesia sau 15 năm
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: