Theo Chính phủ Ấn Độ, sông Hằng chảy qua địa phận nhiều bang và có khoảng 4.500 ngôi làng đang sinh sống ở hai bên bờ sông. Hàng nghìn người dân nước này đang lấy nước uống trực tiếp và tắm trên dòng sông linh thiêng.
Các cư dân địa phương cho biết, sông Hằng thường chuyển sang màu xanh lục vào mùa mưa do lượng rêu và địa y từ các ao hồ đổ vào nhiều.
"Tuy nhiên, lần này, sự thay đổi màu sắc ở mức độ lớn hơn. Sông có mùi hôi và mọi người đang phải chịu đựng. Nói chung, hiện tượng từng chỉ được chứng kiến ở một vài chỗ như nơi tắm rửa hoặc hỏa táng dọc theo bờ sông, nhưng giờ người ta có thể nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi", Mukesh Sharma, một cư dân của thành phố Varanasi thuộc bang Uttar Pradesh lo lắng nói.
Một cư dân địa phương khác có tên Vipul Vats cho hay, sự chuyển màu bất thường của sông Hằng khiến hầu hết mọi người ở đây không thể tắm hoặc lấy nước từ sông về dùng cho sinh hoạt thường nhật nữa.
Các chuyên gia tin, sắc xanh của sông có thể bắt nguồn từ tảo lam. Sputnik dẫn lời B.D. Tripathi, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Malviya Ganga thuộc Đại học Hindu Banaras nhận định: "Từ quan sát bằng mắt thường, có vẻ màu nước bị biến đổi do một loài tảo có tên gọi là tảo lam (Microcystis), thường tìm thấy ở những vùng nước tù đọng. Ở sông Hằng, chúng có thể đến từ một số cống rãnh hai bên bờ hoặc nguồn nước đọng khi mưa".
Theo ông Tripathi, nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài hơn, nó có thể khiến cá chết và gây hại cho các động vật thủy sinh khác vì tảo sinh ra chất độc thần kinh. Tắm trong nước chứa tảo có thể gây ra các bệnh về da và uống nước có thể gây hại cho gan của con người.
Nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ tình hình và trấn an người dân không cần quá lo lắng vì chất lượng nước hiện trong ngưỡng bình thường.
Năm 2015, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã phát động chương trình "Namami Gange" nhằm giảm thiểu tình ô nhiễm, bảo tồn và trẻ hóa sông Hằng một cách hiệu quả. Chính quyền trung ương đã chi tổng cộng 200 tỷ rupee (khoảng 2,74 tỷ USD) cho mục đích này.
Theo Vietnamnet