Theo nhà nghiên cứu Chen Li ở Viện Hàn lâm Cảnh báo sớm Không quân, các chuyên gia phân tích ngày càng tiếp nhận nhiều báo cáo về UFO từ các nguồn trong quân đội và dân sự. Sự xuất hiện thường xuyên của UFO trong những năm gần đây mang đến nhiều thách thức lớn đối với an ninh quốc phòng, Chen kết luận trong báo cáo tại hội thảo của các nhà khoa học công nghệ thông tin cao cấp tại Bắc Kinh năm 2019.
Những chuyên gia trong quân đội Trung Quốc đang dựa vào công nghệ AI để phân tích dữ liệu về UFO. Theo Chen, lợi thế của AI là công nghệ này có thể kiểm tra thông tin rải rác trong nhiều bộ dữ liệu ở nhiều thời gian và địa điểm khác nhau, giúp xác định vật thể lạ xuất hiện do con người, tự nhiên hay nguyên nhân khác.
UFO thường thu hút trí tưởng tượng vì mọi người không biết đó có phải tàu vũ trụ ngoài hành tinh hay không. Gần đây, quân đội Mỹ xác nhận tính xác thực của một số video do phi công hải quân ghi lại, trong đó vật thể bay di chuyển theo cách không thể lý giải bằng công nghệ hiện nay hoặc định luật vật lý.
Trường hợp bắt gặp UFO duy nhất được Trung Quốc xác nhận chính thức xảy ra ở một căn cứ quân sự tại Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, vào ngày 19/10/1998. Theo một báo cáo trên tờ Hebei Daily, hai máy bay quân sự được lệnh chặn đường một vật thể bay thấp xuất hiện đột ngột phía trên căn cứ không quân. Vật thể này trông giống cây nấm chân ngắn với hai luồng ánh sáng phát ra từ phần bụng. Khi các máy bay tới gần, vật thể bay lên độ cao hơn 20.000 m với tốc độ cực nhanh trước khi biến mất khỏi tầm quan sát và tầm ngắm của radar.
Theo Chen và đồng nghiệp, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có hệ thống báo cáo 3 cấp để xử lý vật thể bay không xác định. Cấp cơ bản bao gồm các trạm radar quân sự, phi công không quân, sở cảnh sát, trạm thời tiết, đài quan sát của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chịu trách nhiệm thu thập càng nhiều dữ liệu thô càng tốt. Thông tin được xử lý ở cấp thứ hai bởi chỉ huy quân sự địa phương. Họ sẽ tiến hành phân tích sơ bộ và chuyển dữ liệu tới cơ sở dữ liệu toàn quốc.
Với sự hỗ trợ của AI, trụ sở PLA xếp mỗi vật thể vào "danh mục mối đe dọa" dựa trên hành vi, mức độ xuất hiện, thiết kế khí động, hoạt động phóng xạ, vật liệu, cùng với nhiều thông tin khác. AI có thể xâu chuỗi với các thông tin khác để xác định mục đích của vật thể. Ví dụ, nếu vật thể không xác định tương tự có xu hướng xuất hiện trong các sự kiện chính trị quan trọng hoặc diễn tập quân sự, nhiều khả năng chúng sẽ được xem như thiết bị nhân tạo do nước khác triển khai để thu thập thông tin.
Tự nhiên cũng góp phần lớn vào các hoạt động bất thường được phát hiện bởi quân đội. Ví dụ, những hạt ion hóa sinh ra từ điện trong không khí có thể tạo nên hình ảnh khó lý giải trên radar hoặc cảm biến điện tử khác. Việc xác minh các hiện tượng kiểu này thường mất thời gian, nhưng AI có thể nhanh chóng nhận dạng phần lớn nguyên nhân tự nhiên thông qua kiểm tra chéo nhiều nguồn thông tin khác nhau như dữ liệu vệ tinh thời tiết, theo các nhà nghiên cứu quân sự.
Một nhà khoa học radar ở Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc, cho biết số lượng vật thể không xác định ngày càng tăng trong không phận Trung Quốc nhiều khả năng do con người gây ra thay vì người ngoài hành tinh. Chính quyền Trung Quốc đang dần nới lỏng kiểm soát đối với hoạt động bay ở độ cao thấp trong vài năm qua, trong khi đó drone cũng trở nên ngày càng rẻ và thông dụng.
An Khang (Theo SCMP)
- AI giúp quản lý đường cao tốc thông minh ở Trung Quốc