Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Không gian Quốc gia (INPE), tổng cộng 1.180 km2 rừng Amazon tại Brazil đã bị phá hủy trong tháng 5, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ ba liên tiếp một kỷ lục như vậy được thiết lập.
"Điều này thật đáng lo ngại vì tháng 5 mới là bắt đầu mùa khô, thời điểm phá rừng gia tăng ở phần lớn khu vực Amazon. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong hai tháng tới, năm 2021 có thể kết thúc với sự mất rừng cao chưa từng có", tổ chức quan sát khí hậu Observatório do Clima cảnh báo.
Các khu rừng nhiệt đới như Amazon đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát biến đổi khí hậu vì chúng hút carbon từ khí quyển. Tuy nhiên, khi cây chết hoặc cháy, chúng sẽ phát thải carbon trở lại môi trường.
Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Climate Change vào cuối tháng 4 cho thấy rừng Amazon không còn đóng vai trò "lá phổi xanh" của Trái Đất khi thải carbon nhiều hơn gần 20% so với lượng hấp thụ trong một thập kỷ qua.
Mất rừng liên tiếp lập kỷ lục ở Brazil đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về những cam kết của Tổng thống Jair Bolsonaro. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2019, Bolsonaro tuyên bố sẽ loại bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030, nhưng những gì đang diễn ra lại cho thấy điều ngược lại. Các nhà bảo vệ môi trường cáo buộc chính phủ của ông thiếu hiểu biết và thậm chí phá hoại các biện pháp bảo vệ môi trường.
Đoàn Dương (Theo AFP/AA)
- Rừng Amazon ở Brazil bị chặt phá nhiều nhất trong 12 năm
- Tầm quan trọng của rừng mưa nhiệt đới Amazon