Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng Intel Core i thế hệ thứ 11 với tên mã Rocket Lake cũng được Intel ra mắt. Trong thời buổi đại dịch Covid-19, sự kiện ra mắt của dòng sản phẩm này được gói gọn vào một sự kiện trực tuyến không kèn trống. Vẫn như truyền thống của mình, Intel ra mắt dòng sản phẩm mới sau trung bình 12 tháng. Trong bài đánh giá này, CPU cao cấp nhất, i9-11900K sẽ được thử nghiệm đồng thời so sánh với người tiền nhiệm i9-10900K
Khi bắt đầu có những thông tin rò rỉ về thông số kĩ thuật của Intel Core thế hệ thứ 11 nói chung và i9-11900K nói riêng, giới công nghệ đã tỏ ra khá thất vọng khi Intel đã có bước cải lùi, giới hạn số nhân/luồng chỉ còn 8/16 trên dòng i9, tương tự với i9-9900K và ít hơn 2 nhân 4 luồng so với CPU đầu bảng tiền nhiệm i9-10900K.
Không những thế, việc liên tục thay socket 2 năm 1 lần cũng khiến người dùng cảm thấy không thực sự thoải mái khi liên tục phải bỏ tiền nâng cấp bo mạch chủ. Ngoài ra, việc vẫn tiếp tục sử dụng tiến trình 14nm trong khi đối thủ đã sử dụng 7nm hay thậm chí 5nm, hay đơn cử là các CPU laptop của Intel cũng đã chuyển dịch sang tiến trình 10nm khiến một bộ phận không nhỏ người dùng dậy sóng.
Một trong những cải tiến đáng giá trong năm nay của Intel chính là thiết kế vỏ hộp. Với bộ sản phẩm dùng thử dành cho giới truyền thông, Intel đã có một thiết kế toàn toàn mới với màu sắc tô điểm thú vị hơn khá nhiều so với thiết kế của dòng Core i thế hệ 10. Hộp sản phẩm bán lẻ cũng được Intel chau chuốt lại với thiết kế mới lạ cho dòng Core i9. Cùng slogan "Designed to Game" – Thiết kế để chơi game, có thể thấy đối tượng khách hàng được nhắm tới của thế hệ CPU này vẫn là các game thủ. Cũng phải thôi bởi hầu hết các tựa game hiện nay đều chỉ hỗ trợ tối đa 8 nhân 16 luồng.
Cấu hình thử nghiệm:
-CPU: Intel Core i9-11900K
-RAM: G.Skill Trident Z Royal RGB 2x16GB 3600MHz CL16
-Mainboard: ASUS ROG Maximus XIII Hero
-VGA: Gigabyte Radeon 6800 XT Gaming OC
-NVMe: Samsung PM981 1TB
-Tản nhiệt CPU: G.Skill ENKI 360
-PSU: Corsair Cooler Master MWE 750W Gold
Để đảm bảo khả năng tản nhiệt tốt nhất, tản nhiệt nước aio G.Skill ENKI kích thước 360mm được sử dụng nhằm mang lại hiệu năng cao nhất cho CPU. Core i9-11900K cũng sẽ được đánh giá so sánh với tiền nhiệm Core i9-10900K để xem liệu thế hệ thứ 11 có thực sự là bước cải lùi của Intel.
Mở đầu bằng bài thử Cinebench R20 quen thuộc. Với số lượng nhân/luồng ít hơn, không ngạc nhiên khi điểm đa luồng của i9-11900K thua kém so với i9-10900K. Tuy nhiên, nhờ một số cải tiến, điểm đơn nhân của i9-11900K rất cao, tăng khoảng 20% so với thế hệ trước trong khi hiệu năng đa luồng chỉ thua khoảng 10%.
Một công cụ thử nghiệm khác có thể kể đến là CPU-Z và một lần nữa, sự chênh lệch về điểm số cũng tương tự với Cinebench R20 với điểm đơn nhân nhỉnh hơn nhưng vẫn thua về đa nhân.
Với việc chỉ còn 8 nhân/16 luồng, hiệu năng xử lý nói chung của i9-11900K hầu hết là cải lùi so với i9-10900K, từ các tác vụ về nén/giải nén hay các công cụ render video, hình ảnh 3D. Đơn cử với Blender, thời gian để i9-10900K dựng được mô hình "BMW" và "classroom" tương ứng ở mức 02’07" và 07’04". Con số này ở i9-11900K là 4’43" và 13’8".
7-Zip
3DMark TimeSpy
Nhìn chung các công cụ benchmark đều cho thấy việc tăng hiệu năng đơn nhân không thể giải quyết triệt để bài toán hiệu năng tổng thể.
Được quảng bá với slogan "Thiết kế để chơi game", hiệu năng chơi game của i9-11900K ở độ phân giải 1080p vẫn rất ổn với mức FPS trung bình ngang ngửa với i9-10900K. Điều này cũng là dễ hiểu bởi Intel hưởng lợi từ việc các nhà phát triển game thường chuộng xung nhịp cao và ít nhân, cụ thể là dưới 8. Bởi vậy, i9-11900K vẫn đang làm tốt trọng trách của mình.
Ngoài hiệu năng, một yếu tố được nhiều người quan tâm chính là nhiệt độ khi hoạt động và mức điện năng tiêu thụ của i9-10900K. Khi phải chạy liên tục các ứng dụng render nặng, chạy tập lệnh AVX như Cinebench, Blender cũng khiến khả năng tản nhiệt của cả CPU lẫn tản nhiệt nước được thử thách. Thông thường, khi chạy các tác vụ cực nặng, CPU sẽ tự động kéo xung nhịp lên mức cao đồng nghĩa với việc nhiệt độ cũng tăng theo.
Trong quá trình thử nghiệm, có những thời điểm nhiệt độ của i9-11900K vọt lên 91 độ C nhưng ngay lập tức xuống mức 60-70 độ C và giữ tương đối ổn định. Đây phần nào còn do tản nhiệt với rad kích thước 360mm. Mức xung nhịp khi hoạt động của i9-11900K thường được đẩy lên mức 5.1 GHz ở tất cả các nhân và cao nhất 5.3GHz ở trên 1 nhân cụ thể để làm một số tác vụ đặc thù. Mức tiêu thụ điện cũng hơi đáng quan ngại một chút với mức khoảng 250W mỗi giờ, ít hơn i9-10900K tầm 10%. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng cần phải sắm cho mình một chiếc tản nhiệt tử tế và một chiếc nguồn máy tính có công suất từ 700W trở lên với chứng nhận 80 Plus Gold hoặc hơn.
Tựu trung lại, Intel Core i9-11900K vẫn tốt theo góc nhìn của người mua nó, của Intel khi tập trung vào việc chơi game nhiều hơn. Cũng không thể phủ nhận CPU này còn nhiều hạn chế, thậm chí cải lùi so với thế hệ trước, nhất là về mặt công nghệ sản xuất và nhiều vấn đề xoay quanh. Nếu bạn đang sử dụng i9-10900K thì việc nâng cấp sẽ gần nhưng không có ý nghĩa. Intel Core i9-11900K sẽ phù hợp hơn cả với những game thủ đang sử dụng các dòng CPU 8 nhân hoặc thấp hơn thuộc Core i thế hệ 9 trở về trước hay đơn giản chỉ là thích đón đầu công nghệ và cần dùng ổ NVMe PCIe Gen 4 siêu tốc. Ngoài ra, i9-11900K còn có cả giá trị sưu tầm khi nó sẽ là CPU 14nm cuối cùng của Intel. Dù Core i9-11900K tốt nhưng có lẽ i9-10900K sẽ là lựa chọn tối ưu hơn ở thời điểm hiện tại.
Lấy link