Xiaomi thường bị phàn nàn về khả năng chụp hình, quay video mặc dù thông số phần cứng của camera rất tốt. Chất lượng hình ảnh là điều mà người dùng đặc biệt quan tâm khi tham khảo camera của một chiếc điện thoại. Trong những năm gần đây, Xiaomi đã nâng cấp không chỉ phần cứng mà còn cả phần mềm, cải thiện đáng kể về chất lượng hình ảnh. Và tất nhiên Xiaomi Mi 11 là mẫu flagship mới nhất nên được thừa hưởng toàn bộ những ưu điểm nâng cấp đáng giá của hãng.
Xiaomi Mi 11.
Chi tiết cụm camera Xiaomi Mi 11
Mặt lưng của Xiaomi Mi 11 tuy thiết kế có phần đơn giản nhưng lại thu hút người dùng bởi cụm camera “kiểu ruộng bậc thang”. Vì camera chính 108 MP tích hợp nhiều công nghệ và tính năng bên trong nên không tránh khỏi to và dày. Để giảm bớt độ “thô” của thiết kế, Xiaomi đã làm cụm camera sau nhiều tầng kèm theo các đường vân họa tiết hướng về camera chính trông khá bắt mắt.
Cụm camera chính của Xiaomi Mi 11.
Thông số chi tiết camera Xiaomi Mi 11:
- 108 MP: camera chính f/1.9
- 13 MP: camera góc siêu rộng f/2.4, 123 độ
- 5 MP: camera macro f/2.4
- 20 MP: camera selfie
- PDAF bắt nét theo pha, chống rung quang học OIS, tích hợp AI.
- Quay video lên tới 8K 30fps, 4K 60fps, Full HD 480fps.
Trải nghiệm sử dụng thực tế
Camera của Xiaomi Mi 11 đáp ứng được hầu hết nhu cầu sử dụng của người dùng trong các môi trường khác nhau. Độ chi tiết cao, tốc độ bắt nét và xử lý hình ảnh nhanh, màu sắc lên tươi tắn, nhìn chung thì chất lượng ảnh của Xiaomi Mi 11 rất tốt.
Xiaomi Mi 11.
Điểm trừ duy nhất của chiếc máy này có lẽ là thiếu camera tele. Giá như Xiaomi có thể thêm camera tele để có thể ứng dụng nhiều hơn trong thực tế thì có lẽ cụm camera của Xiaomi Mi 11 không có điểm gì để phàn nàn.
Điều kiện môi trường đầy đủ sáng
Với điều kiện chụp đầy đủ sáng thì camera của Mi 11 hoạt động hoàn hảo. Khả năng bắt nét của máy là cực kỳ nhanh và chính xác. Độ chi tiết của ảnh cao dù là ở chính giữa hay kể cả phần rìa của bức hình.
Chế độ HDR với AI cho ra hình ảnh có cân bằng trắng và cân bằng ánh sáng tốt, màu sắc lên tươi tắn nhờ AI tích hợp nhận diện được nhiều khung cảnh khác nhau.
Ảnh chụp tự động từ camera thường - Ảnh chụp sử dụng HDR và AI.
Camera góc siêu rộng của máy cũng cho chất lượng ở mức khá. Độ chi tiết chắc chắn không thể bằng camera chính nhưng tổng thể mọi thứ vẫn là khá tốt. Nhờ AI nhận diện khung cảnh nên màu sắc ảnh chụp tươi tắn hơn, độ chi tiết và độ tương phản ở mức khá.
Camera góc siêu rộng bật HDR và AI.
Việc chụp hình bằng camera góc siêu rộng sẽ xảy ra hiện tượng méo hình ở 4 góc của ảnh. Nhưng nhờ thuật toán xử lý thông minh được Xiaomi tích hợp vào phần mềm, chỉ cần vào cài đặt trong camera để bật lên sẽ giảm thiểu đáng kể vấn đề này.
Camera góc siêu rộng kết hợp HDR và AI sẽ cho chất lượng hình ảnh tốt hơn.
Chụp hình chân dung hay còn gọi là chụp “xóa phông” ngày càng được giới trẻ ưa dùng vì bức hình sẽ làm nổi bật chủ thể so với phông nền, mẫu sẽ chiếm được trọn “spotlight”. Ở chế độ chụp “Chân dung”, mặc dù Mi 11 không có camera đo độ sâu, “xóa phông” hoàn toàn bằng phần mềm nhưng có thể thấy Xiaomi đã làm rất tốt.
Chế độ chụp thường bật HDR và AI - Chế độ chụp 108MP - Chế độ chụp ảnh "Chân dung".
Để màu sắc cảnh và da của mẫu hài hoà hơn, người dùng có thể chọn các filter có sẵn trong máy.
Chủ thể với phông nền được tách biệt mềm mại, tóc và quần áo gần như rất ít bị lẹm, da mặt của mẫu cũng được xử lý hài hòa tự nhiên. Nhìn chung ảnh gốc chất lượng tốt như này thì chỉ cần chỉnh sửa nhẹ nhàng bằng tính năng “Chỉnh sửa” tích hợp sẵn của MIUI là người dùng hoàn toàn có thể “sống ảo” cực chất rồi.
Hình ảnh từ camera macro của máy.
Với đa số các mẫu smartphone khác của hãng, camera macro gần như "vô dụng" đúng nghĩa. Chất lượng ảnh ra rất tệ, người dùng gần như không ai động tới camera này. Xiaomi quyết định không sử dụng camera tele vì hãng đã làm thuật toán xử lý phần mềm giúp máy có thể zoom tới 50x. Thay vào đó chọn trang bị một camera macro có chất lượng tốt giúp người dùng sáng tạo trong việc chụp hình.
Ảnh chụp từ camera macro - Ảnh chụp từ camera thường zoom 10x.
Điều kiện môi trường thiếu sáng
Với cấu hình camera mạnh mẽ và phần mềm được tối ưu tốt, Xiaomi Mi 11 hầu như không gặp quá nhiều khó khăn trong điều kiện thiếu sáng. Dù chụp bằng camera thường chế độ tự động thôi nhưng chất lượng cũng đã khá tốt đối với camera của một chiếc điện thoại rồi.
Camera thường Mi 11 chụp tự động, không HDR, không AI.
Với những ai khó tính hơn thì có thể chụp bằng chế độ “Đêm” hoặc chế độ 108MP tích hợp sẵn trong máy.
Chụp tự động bật AI - Sử dụng chế độ "Đêm" - Sử dụng chế độ 108MP.
Chế độ chụp thường có sử dụng AI - Chế độ chụp "Đêm".
Với điều kiện thiếu sáng, đôi khi chỉ cần giờ camera của Mi 11 lên, để chế độ chụp thường và bật HDR cùng AI là người dùng đã có những bức hình đủ đẹp rồi. Tuy AI sẽ làm giảm chút chất lượng chi tiết nhưng bù lại ảnh sẽ không bị nhiễu hạt, màu sắc được đẩy lên đẹp hơn, màu đen cũng sâu hơn. Ở chế độ chụp "Đêm" hay "108MP" ảnh cho ra chi tiết cao hơn nhưng đôi khi độ sắc nét bị quá đà ở chế độ "Đêm", đồng thời người dùng sẽ mất thời gian cài đặt chuyển chế độ cũng như chờ máy xử lý hình ảnh, điều này có thể làm lỡ khoảnh khắc đẹp.
Sử dụng ống kính góc siêu rộng chụp ở chế độ thường và chế độ chụp "Đêm".
Tuy nhiên với ống kính góc siêu rộng, dường như khả năng xử lý cân bằng trắng của máy không phải lúc nào cũng làm việc tốt. Ngoài ra, để cân bằng giữa sáng và tối thì phần mềm của máy xử lý bằng cách giảm cường độ vùng sáng (Highlight) nên phần nào đó khiến bức hình có ánh sáng không tự nhiên, nhìn hơi bệt và đục.
Ảnh chụp camera thường và camera góc siêu rộng trên Mi 11.
Chế độ chụp chân dung vẫn hoạt động tốt trong điều kiện ánh sáng quán cafe. Thuật toán xử lý hình ảnh của Xiaomi làm tốt, tóc và viền khăn áo của mẫu được tách biệt với phông nền nhưng rất mềm mại, không sắc hay lẹm. Màu da cũng có phần trắng hồng tự nhiên. Nhìn chung chất lượng ảnh gốc trong điều kiện như vậy là tốt. Nếu muốn bức hình lung linh để "sống ảo" thì chỉ mất vài giây sau khi chụp, thao tác tuỳ chọn các hiệu ứng, filter màu sắc được tích hợp sẵn trong MIUI.
Ảnh gốc chụp chế độ "Chân dung" - Ảnh đã qua chỉnh sửa bằng trình "Edit" có sẵn trong MIUI.
Chất lượng camera selfie
Camera selfie của điện thoại có lẽ cũng được phần lớn người dùng chú trọng. Sở hữu camera trước có độ phân giải 20MP tích hợp AI làm đẹp, Xiaomi Mi 11 cho chất lượng hình ảnh selfie rất tốt trong mọi hoàn cảnh.
Giao diện camera selfie của Xiaomi Mi 11.
Khi người dùng selfie ngược sáng có thể bật tính năng HDR, máy xử lý cân bằng độ chênh sáng môi trường khá tốt. Một điều đáng chú ý ở camera selfie đó là AI và tính năng làm đẹp của máy mặc định đã xử lý da mặt láng mịn và trắng hồng. Điều này đôi khi khiến bức ảnh "hơi ảo" nhất là khi con trai chụp.
Chụp selfie ngược sáng bật HDR.
Ngoài ra tính năng chụp hình "Chân dung" cũng có thể sử dụng ở camera trước. Với việc "xoá phông", chủ thể càng nổi bật hơn, thu hút hơn.
Chụp thường bật AI - Chụp chế độ "Chân dung".
Tuy nhiên chất lượng camera trước không thể bằng camera sau của máy nên hình xoá phông đôi khi cũng chưa được hoàn hảo, nhất là phần tóc trong môi trường thiếu sáng.
Selfie bằng chế độ "Chân dung" có sử dụng filter trong máy.
Chụp selfie thiếu sáng bằng camera mặc định - sử dụng filter có sẵn trong máy.
Chất lượng quay video và thu âm
Xiaomi chưa bao giờ được đánh giá cao về chất lượng quay video. Mặc dù thông số phần cứng của camera rất tốt nhưng chất lượng hình ảnh video lại không được như mong đợi, nhất là khoản thu âm. Thế nhưng những mẫu flagship gần đây đã cho thấy hãng đang từng bước khắc phục yếu điểm này của mình.
Điều này được thể hiện rõ khi Xiaomi Mi 11 cho khả năng quay phim và thu âm rất tốt. Độ chi tiết, màu sắc và cân bằng ánh sáng của máy không có gì để chê. Cùng với chống rung quang học OIS, video có sự ổn định cần thiết, chi tiết và màu sắc vẫn được giữ lại nhưng độ rung lắc giảm đi đáng kể.
Video test Mi 11 ở độ phân giải 1080p 60fps.
Với nhu cầu quay phim bình thường, người dùng nên chọn ở độ phân giải 1080p 30/60fps để tối ưu hình ảnh và không gian lưu trữ, độ phân giải cao hơn (4K 30/60fps hoặc 8K 24/30fps) sẽ làm tốn dung lượng lưu trữ mà chất lượng không thực sự cần thiết với nhu cầu sử dụng của người dùng cơ bản.
Video test Mi 11 ở độ phân giải 8K 30fps.
Có một vài lưu ý nhỏ như tính năng HDR chỉ làm việc tại độ phân giải 720p, 1080p, 4K ở cùng 30fps; tính năng “Ổn định” (chống rung) chỉ hoạt động ở độ phân giải 1080p 30fps; tính năng “siêu ổn định” thì lại sử dụng camera góc siêu rộng để quay.
Video test tính năng "Ổn định" trên Mi 11.
Hình ảnh và âm thanh của video trong bài hoàn toàn được ghi trực tiếp từ camera của Xiaomi Mi 11 trong điều kiện cầm tay, đi bộ. Như vậy có thể thấy mic thu âm của máy đã được cải thiện rõ rệt, không còn nhiều tạp âm chói tai như trước, màu sắc và chi tiết vẫn rất tốt.
Tạm kết
Điểm trừ về camera của Xiaomi Mi 11 là không được trang bị camera tele; camera góc siêu rộng đôi khi cho ảnh sai lệch cân bằng trắng, thiếu highlight khiến ảnh bệt và đục; tính năng "ổn định" khi quay video không thật sự hữu ích vì chất lượng hình ảnh giảm. Bù lại ảnh từ camera chính của máy rất tốt, AI và HDR làm việc hiệu quả, chống rung tốt ở độ phân giải 1080p 60fps, mic thu âm được cải thiện đáng kể,... Nhìn chung Xiaomi Mi 11 là mẫu smartphone đáng để trải nghiệm, có cụm camera đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của người dùng.
Camera Xiaomi Mi 11 đáp ứng tốt nhu cầu chụp hình của đa số người dùng.
Xin cảm ơn cửa hàng Điện Thoại Hay đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này!
Lấy link