Tạo động lực để cửa hàng tạp hóa cũng tích cực số hóa
Telio là một “chiến binh” mới xuất hiện trên “đấu trường” thương mại điện tử B2B từ năm 2019. Tự định vị là công ty công nghệ và dữ liệu, Telio đã và đang không ngừng nỗ lực thực hiện sứ mệnh kết nối các cửa hàng tạp hóa/bán lẻ với các hãng sản xuất lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh theo nguyên tắc win – win (các bên cùng có lợi).
Cả nước hiện có khoảng 1,3 triệu cửa hàng tạp hóa/bán lẻ. Hoạt động trên thị trường truyền thống, mỗi cửa hàng đều phải nhập hàng tiêu dùng nhanh từ rất nhiều đầu mối, cần Coca-cola thì phải gọi điện cho đầu mối bán Coca-cola, cần mì tôm lại phải alo đầu mối cung cấp mì tôm, cần kem đánh răng lại phải liên hệ đầu mối chuyên về mặt hàng này… Giá cả hàng hóa của các nhà cung cấp lại không minh bạch. Và yêu cầu giao hàng trong ngày thường xuyên “bất khả thi”.
Về phía các hãng/nhà sản xuất, trong thị trường truyền thống không dễ gì tiếp xúc trực tiếp với từng cửa hàng nhỏ lẻ, mà phải thông qua hệ thống đại lý nhà phân phối, dẫn đến gia tăng chi phí quản lý. Việc cập nhật, truyền tải thông tin khuyến mại hoặc các sản phẩm mới từ hãng/nhà sản xuất đến các cửa hàng nhỏ lẻ thường có độ trễ cao, thậm chí còn có cả sai lệch.
Mọi chuyện đã khác kể từ khi các cửa hàng tạp hóa/bán lẻ truyền thống “hòa nhịp” số hóa, tham gia nền tảng B2B Telio.
Ông Bùi Sỹ Phong, Nhà sáng lập kiệm Giám đốc điều hành của Telio cho biết, trên nền tảng Telio, các cửa hàng tạp hóa/bán lẻ có thể nhập gần như tất cả các loại mặt hàng tiêu dùng nhanh, không còn phải qua quá nhiều đầu mối như trước. Các cửa hàng cũng có thể tham khảo thông tin về giá được công bố ở trên tất cả các nền tảng của Telio bao gồm web, app... để chọn cho mình mức giá cạnh tranh nhất. Đặc biệt, với 11 kho hàng cùng đội ngũ hơn 100 xe tải, được quản lý, vận hành theo thuật toán thông minh, Telio đảm bảo mọi đơn hàng sẽ được giao nhanh nhất là trong ngày và chậm nhất là ngày hôm sau, giúp các cửa hàng không bị đọng vốn dự trữ hàng. Nhiều hãng bia, nước ngọt hay thức ăn nhanh rất ấn tượng với cam kết giao hàng từ 6 - 12 giờ của Telio.
“Trước chưa có Telio thì hàng ngày tôi vẫn phải mất đôi ba tiếng nhắn tin để đặt hàng. Từ ngày có Telio thì chỉ mất tầm 15 phút. Thời gian dư ra thì có thể đưa con cái đi học, rồi chơi với con. Mỗi khi hãng nào có sản phẩm mới, chúng tôi cũng được cập nhật thông tin để đặt ngay hàng về bán”, chủ một đại lý bán lẻ phấn khởi kể.
|
Ông Bùi Sỹ Phong cùng với các thành viên sáng lập Telio đã tạo nên một cuộc bứt phá thương mại điện tử từ B2B. |
Ưu thế vượt trội về công nghệ và dữ liệu lớn
Không phải bỗng nhiên mà trong năm 2019, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã đầu tư khoảng 26,5 triệu đôla vào Telio. Với mức tăng trưởng hàng quý lên tới 160%, tỷ lệ tăng trưởng về cửa hàng đạt 70% hàng quý, và sự hợp tác của khoảng 55 nhãn hàng tiêu dùng nhanh, chỉ sau khoảng 1 năm, nền tảng B2B này đã thu hút sự tham gia của hơn 15.000 cửa hàng tạp hóa/bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi năm lưu thông hàng nghìn tỷ đồng tiền hàng.
Sức hấp dẫn của Telio đến từ những ưu thế vượt trội về nền tảng công nghệ và dữ liệu lớn (big data). Dữ liệu các giao dịch đều được lưu trữ để hỗ trợ hoạt động phân tích thị trường, giúp các hãng/nhà sản xuất biết dòng sản phẩm nào có thể bán chạy hơn ở địa bàn A, dòng sản phẩm nào đắt khách khi gửi cho đại lý B ở những thời điểm nhất định.
“Thực tế hiện có rất nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, nhưng dữ liệu nghiên cứu của họ hầu hết đều dựa trên các cuộc điều tra, khảo sát, chứ không phải dữ liệu giao dịch theo thời gian thực như Telio cung cấp. Với dữ liệu của Telio, các hãng có thể tái định vị lại các sản phẩm, chỉnh sửa kế hoạch sản xuất một cách phù hợp”, ông Bùi Sỹ Phong nhấn mạnh.
Một “điểm cộng” khác của Telio là bên cạnh việc dễ dàng đặt hàng, kết nối với các hãng/nhà sản xuất qua nền tảng thương mại B2B, các cửa hàng tạp hóa/bán lẻ còn được hỗ trợ thêm nhiều công cụ số hóa khác như phần mềm quản lý công nợ, phần mềm quản lý cửa hàng, phần mềm quản lý kho… Tất cả đều miễn phí.
“Chúng tôi rất tự hào khi hiện nay, Telio là shop B2B đã có mặt trên nền tảng Zalo. Trải nghiệm Telio trên Zalo tối ưu hơn rất nhiều so với trên các nền tảng khác. Có những lúc cao điểm, 65% đơn hàng của Telio được giao dịch trên Zalo”, Giám đốc điều hành Telio chia sẻ thêm.
Đến thời điểm đầu tháng 12/2020, 20% số cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội và TP.HCM đang mua hàng tại Telio, giúp công ty công nghệ và dữ liệu này vươn lên vị trí dẫn đầu trong mảng doanh nghiệp công nghệ chuyên phân phối hàng tiêu dùng nhanh.
Phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo dựa trên công nghệ, Telio đang vận hành hiệu quả 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Ấn Độ và Việt Nam, chiêu mộ được khá nhiều nhân tài về công nghệ, thương mại điện tử, tài chính... đến từ các “tên tuổi” lớn như Lazada, Amazon. Oracle, PayTM, JPMorgan, Goldman Sachs... Số lượng kỹ sư CNTT của công ty lên tới hơn 100 người, xấp xỉ số lượng nhân viên kinh doanh.
Nhiều ý tưởng, dự định mới liên quan tới công nghệ và dữ liệu sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Ví dụ như Telio sẽ tạo cho mỗi cửa hàng tạp hóa/bán lẻ một cửa hàng online để họ có thể kinh doanh đa dạng mặt hàng trên cửa hàng ảo và hưởng doanh thu thực.
Hoặc trong năm tới, Telio sẽ nghĩ đến việc làm thương mại xuyên biên giới, vừa nhập hàng về để bán cho thị trường trong nước, vừa hỗ trợ các nhãn hàng trong nước có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Mục tiêu hướng tới của Telio là năm 2021, 50% cửa hàng tạp hóa/bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh tại Hà Nội, TP.HCM sẽ mua hàng qua Telio. Danh sách cửa hàng tạp hóa/bán lẻ sẽ “phủ” thêm địa bàn Bình Dương và 6 thành phố khác, nâng tổng số lên khoảng 400.000 cửa hàng nhỏ có kết nối với hãng/nhà sản xuất lớn qua nền tảng B2B này trong năm 2025.
Không chỉ dừng ở ngành hàng tiêu dùng nhanh, Telio sẽ mở rộng thêm cả ngành hàng đồ gia dụng với các sản phẩm như đồ nhựa, nồi cơm điện, máy sấy tóc, bàn là, bếp từ, chảo chống dính… và sẽ trở thành một nền tảng B2B đa ngành hàng.
Phương Dung