Nhóm các nhà khoa học Việt do Tiến sỹ Trần Minh Quỳnh dẫn đầu vừa thông báo nghiên cứu thành công ứng dụng Công nghệ bức xạ trong sản xuất phân bón vi sinh vật dạng hạt và phân bón lá.
Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ bức xạ trong sản xuất phân bón vi sinh vật dạng hạt và phân bón lá là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được giao Trung tâm chiếu xạ Hà Nội chủ trì nhiệm vụ, TS Trần Minh Quỳnh là Chủ nhiệm nhiệm vụ. Tham gia đề tài này còn có 9 thành viên nghiên cứu khác đến từ Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Thổ nhưỡng Nông Hóa.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, việc thực hiện đề tài đã giúp nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chiếu xạ polymer, nhất là trong việc tạo tinh bột biến tính với tính tan và khả năng trương nước cải thiện làm chất mang trong sản xuất phân bón vi sinh vật, cũng như chiếu xạ cắt mạch tạo các sản phẩm polysaccharide khối lượng phân tử (KLPT) thấp có hoạt tính sinh học phù hợp làm thành phần phân bón lá.
Đề tài đã xây dựng và hoàn thiện các quy trình xử lý chiếu xạ biến tính tinh bột sắn; chiếu xạ cắt mạch tạo chitosan, xanthan KLPT thấp; sản xuất phân bón vi sinh vật dạng hạt công suất 20kg/mẻ; và phân bón lá quy mô 25 lít/mẻ. Các quy trình công nghệ đạt được từ đề tài đều có khả năng ứng dụng thực tiễn.
Đặc biệt, quy trình công nghệ sản xuất phân bón vi sinh vật dạng hạt tuy mới được nghiên cứu lần đầu trong nước, song có trình độ công nghệ tương đương với thế giới, đã được áp dụng vào dây chuyền thiết bị thử nghiệm và sản xuất được sản phẩm phân bón vi sinh vật dạng hạt (Rapol V). Việc kết hợp các thành phần chitosan có hoạt tính kích thích sinh trưởng thực vật, và xanthan có khả năng giữ ẩm cho lá và tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng qua lá trong phân bón lá trung, vi lượng (Rocket 123) giúp tăng hiệu suất sử dụng và giảm lượng phân bón.
TS Trần Minh Quỳnh cho hay, kết quả thực hiện mô hình khảo nghiệm sản xuất rau an toàn cho thấy cả hai sản phẩm phân bón vi sinh vật dạng hạt và phân bón lá đều có hiệu quả làm tăng năng suất cà chua, cải bắp và cải củ, ngay cả với công thức giảm lượng phân bón nền, chỉ sử dụng 80% phân NPK.
Như vậy, việc sử dụng các sản phẩm phân bón vi sinh vật dạng hạt và phân bón lá do đề tài tạo ra có thể giúp giảm thiểu phân bón hóa học, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Với chi phí sản xuất hợp lý và khả năng làm tăng năng suất rau màu trên cả hai loại đất trồng chính là đất phù sa và đất bạc màu, các sản phẩm phân bón mới đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tăng thu nhập cho người dân.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất phân vi sinh của đề tài có thể được chuyển giao, phát triển trên quy mô lớn hơn để cung cấp các sản phẩm phân bón thân thiện, cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước.
Nguyễn Hùng
Nghien cuu ung dung cong nghe buc xa trong san xuat phan bon vi sinh
Nhom cac nha khoa hoc Viet do Tien sy Tran Minh Quynh dan dau vua thong bao nghien cuu thanh cong ung dung Cong nghe buc xa trong san xuat phan bon vi sinh vat dang hat va phan bon la.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất phân bón vi sinh
By www.tincongnghe.net
Nhóm các nhà khoa học Việt do Tiến sỹ Trần Minh Quỳnh dẫn đầu vừa thông báo nghiên cứu thành công ứng dụng Công nghệ bức xạ trong sản xuất phân bón vi sinh vật dạng hạt và phân bón lá.