"Kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 mét" (tiếng Anh: Five-hundred-meter Aperture Spherical radio Telescope, viết tắt FAST), hay còn gọi Thiên Nhãn, là dự án kính viễn vọng vô tuyến được xây dựng nằm trong lưu vực tự nhiên Đại Oa Đáng ở huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc.
Có chi phí xây dựng lên tới 1,2 tỉ nhân dân tệ (170 triệu USD), FAST bắt đầu được xây dựng vào năm 2011 và hoàn thành vào năm 2016. Để đảm bảo FAST có thể hoạt động hiệu quả, khoảng 7.000 cư dân sinh sống ở huyện Bình Đường, Quý Châu, đã phải di dời và tái định cư tại một thị trấn cách khu vực đặt kính viễn vọng này 10km.
FAST được xây dựng tại tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc
Sở hữu đường kính lên tới 500m, ngang bằng 30 sân bóng, FAST cũng là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới hiện nay, vốn có thể thu nhận những tín hiệu yếu nhất trong vũ trụ. Nhờ kích thước siêu lớn, độ nhạy của FAST tốt hơn 2,5 lần so với kính thiên văn lớn thứ hai thế giới hiện nay, cùng khả năng tiếp nhận và xử lý lượng thông tin lên tới 38gigabyte/giây.
Một trong những sứ mạng khoa học chính của FAST là "nghe ngóng" các sao neutron và những tín hiệu âm thanh liên sao, trong đó có bất cứ tín hiệu nào đến từ các hành tinh có nền văn minh khác trong vũ trụ.
"Về lý thuyết, nếu có nền văn minh ngoài vũ trụ, tín hiệu âm thanh mà nó phát ra sẽ tương tự với tín hiệu có nguồn gốc từ một sao neutron", ông Qian Lei, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phát biểu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Sở hữu đường kính lên tới 500m, ngang bằng 30 sân bóng, FAST cũng là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới hiện nay
Được biết, sau hơn 3 năm thử nghiệm, kính viễn vọng vô tuyến này chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2020. Tuy nhiên, FAST hiện đang trong quá trình nâng cấp về mặt kĩ thuật để cải thiện khả năng loại bỏ nhiễu tần số vô tuyến điện (có nguồn gốc từ chính Trái Đất) và xác định các tín hiệu có thể đến từ các nền văn minh hành tinh.
Dự kiến, vào tháng 9 tới, kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới này sẽ chính thức bắt đầu sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, theo tiết lộ của ông Zhang Tongjie, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về tìm kiếm nền văn minh ngoài hành tinh (SETI).
Theo ông Xhang, việc tìm kiếm người ngoài hành tinh sẽ không can thiệp vào chương trình quan sát khoa học khác mà FAST được giao phó như việc khám phá các sao neuron và các tín hiệu vô tuyến liên sao vốn có thể cung cấp manh mối về sự hình thành của vũ trụ.
Theo truyền thông Trung Quốc, việc đẩy mạnh chương trình vũ trụ là một trong những ưu tiên của nước này nhằm trở thành một cường quốc về hàng không vũ trụ vào năm 2030. Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ riêng vào năm tới.
Tham khảo Engadget
Lấy link