Chiều ngày 9/7, cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao trước thông tin ứng dụng nhắn tin Telegram đã có thể truy cập trở lại sau hơn một tháng bị các nhà mạng trong nước chặn. Theo đó, khi mở ứng dụng, người dùng đã có thể truy cập và hoạt đồng bình thường mà không cần sử dụng proxy.
Tuy nhiên, việc truy cập không hoàn toàn ổn định. Nhiều người dùng phản ánh họ chỉ có thể kết nối với Telegram khi sử dụng mạng Wi-Fi, trong khi kết nối qua dữ liệu di động (4G, 5G) vẫn không thành công. Sự không nhất quán này cho thấy tình trạng truy cập vẫn còn chập chờn.

Telegram bất ngờ truy cập được ở Việt Nam
Tính đến hiện tại, cả cơ quan chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào. Vẫn chưa rõ đây là động thái gỡ bỏ lệnh chặn có chủ đích hay chỉ là một sự cố kỹ thuật tạm thời.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2025, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng triển khai biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn Telegram tại Việt Nam. Yêu cầu này được đưa ra dựa trên đề nghị từ Bộ Công an, với lý do nền tảng này chứa một lượng lớn nội dung độc hại, lừa đảo và được sử dụng cho các hoạt động chống phá.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có tới 68% kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam chứa nội dung xấu độc. Nền tảng này cũng là nơi diễn ra nhiều vụ lừa đảo quy mô lớn với tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng và là nơi dữ liệu của 23 triệu người dân bị rao bán.
Dù ứng dụng đã có thể truy cập trở lại đối với một số người, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng cần hết sức thận trọng. Việc tham gia các nhóm, kênh không rõ nguồn gốc trên Telegram tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh mạng, lừa đảo và lộ lọt thông tin cá nhân. Người dùng cũng được cảnh báo không nên tìm cách truy cập bằng các công cụ không chính thống như VPN hay proxy, vì có thể vô tình cài đặt phần mềm độc hại hoặc trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trực tuyến.
KV
Lấy link