Hành động khẩn của CEO Nvidia sau 1 lệnh cấm, Elon Musk có tuyên bố sốc

Hành động khẩn của CEO Nvidia sau 1 lệnh cấm; Elon Musk có tuyên bố sốc sau khi cổ phiếu Tesla lao dốc... là những thông tin công nghệ nổi bật tuần qua.


Hành động khẩn của CEO Nvidia sau 1 lệnh cấm


CEO Nvidia Jensen Huang đã bay đến Trung Quốc vào ngày 17/4 sau khi Mỹ công bố lệnh cấm bán chip mới.


jensen huang weibo 44035.png
CEO Nvidia Jensen Huang có mặt tại Bắc Kinh ngày 17/4. Ảnh: Weibo

Theo nguồn tin của Financial Times, Huang gặp gỡ các khách hàng của Nvidia, bao gồm nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong, để thảo luận về các thiết kế thế hệ chip mới dành cho họ. Sau đó, ông có những cuộc gặp riêng với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.


CCTV cho biết, Huang nhấn mạnh Trung Quốc “là một thị trường rất quan trọng với Nvidia” và bày tỏ hy vọng công ty của ông có thể “tiếp tục cùng hợp tác” với đất nước.


Trước đó, Nvidia dự báo thiệt hại 5,5 tỷ USD doanh thu từ hạn chế xuất khẩu mới của Mỹ nhằm vào chip H20. Đây là con chip hãng đã thiết kế riêng cho Trung Quốc để đáp ứng các quy định xuất khẩu từ thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden.


Động thái của CEO Nvidia cho thấy công ty sẽ không từ bỏ thị trường lớn thứ hai thế giới và đang cân nhắc thiết kế một con chip khác. Financial Times cho biết chuyến công tác Bắc Kinh của Huang được chốt sau lệnh cấm chip H20 bất ngờ từ chính quyền Mỹ.


Nvidia báo cáo doanh thu 17 tỷ USD từ Trung Quốc năm 2024 nhưng đang đối mặt với những nguy cơ lớn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, và sự lớn mạnh của Huawei.


Elon Musk tuyên bố sốc sau khi cổ phiếu Tesla lao dốc


Elon Musk bất ngờ tuyên bố sẽ 'giảm sâu' thời gian dành cho Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) kể từ tháng 5, giữa lúc cổ phiếu Tesla lao dốc hơn 40% kể từ đầu năm.


elon musk bloomberg 38995.png
Cổ phiếu hãng xe điện Tesla của Elon Musk đã giảm hơn 40% năm nay. Ảnh: Bloomberg

Elon Musk mở đầu cuộc họp về kết quả kinh doanh Tesla ngày 22/4 với tuyên bố thời gian dành cho DOGE sẽ giảm đáng kể từ tháng 5. Dù vậy, ông khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Donald Trump nhằm đảm bảo “những lãng phí và gian lận chúng tôi đã chặn đứng không trở lại”.


Đối thủ lớn nhất của iPhone có lợi thế trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump?Đối thủ lớn nhất của iPhone có lợi thế trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump?

Bình luận của Musk xuất hiện trong bối cảnh Tesla báo cáo kết quả kinh doanh Quý 1 đáng thất vọng, giảm 20% doanh thu và 71% thu nhập ròng so với cùng kỳ năm 2024.


Ngoài những thách thức đang đối mặt như cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc và dàn xe điện lỗi thời, Tesla gần đây còn vấp phải làn sóng biểu tình tại Mỹ và châu Âu, cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu do mối quan hệ giữa Musk và ông Trump.


Trên website, bộ DOGE thông báo đã tiết kiệm được 160 tỷ USD ngân sách cho nước Mỹ. Song, những tính toán của bộ thường gây tranh cãi về tính chính xác.


Đầu tháng 2, Nhà Trắng cho biết Musk là “một nhân viên đặc biệt của chính phủ”. Theo Bộ Tư pháp, chức danh này dành cho những người làm việc cho chính phủ trong 130 ngày hoặc ít hơn mỗi năm.


DeepSeek chuyển trái phép dữ liệu cá nhân sang Trung Quốc


Hôm 24/4, Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân Hàn Quốc (PIPC) công bố báo cáo liên quan đến DeepSeek, startup mới nổi của Trung Quốc. Vào tháng 2, Seoul đã yêu cầu các chợ ứng dụng trong nước gỡ bỏ DeepSeek.


deepseek.jpg
Cơ quan chức năng Hàn Quốc kết luận DeepSeek chuyển trái phép dữ liệu người dùng ra nước ngoài. Ảnh: Bloomberg

Theo kết luận của PIPC, trong thời gian hoạt động tại Hàn Quốc, DeepSeek đã chuyển dữ liệu người dùng đến một số công ty tại Trung Quốc và Mỹ mà không xin phép hay tiết lộ về hành vi này.


Ủy ban nhấn mạnh một trường hợp cụ thể, trong đó DeepSeek chuyển thông tin từ các prompt (lời nhắc), thiết bị, mạng lưới, thông tin ứng dụng của người dùng đến một nền tảng đám mây Trung Quốc có tên Beijing Volcano Engine Technology.


Theo PIPC, DeepSeek cho biết họ dùng dịch vụ của Bejing Volcano để cải thiện bảo mật và trải nghiệm người dùng ứng dụng, song đã chặn việc chuyển thông tin prompt AI từ ngày 10/4.


Sự phổ biến nhanh chóng của DeepSeek đặt ra những lo ngại về dữ liệu và an ninh quốc gia vì pháp luật Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp phải chia sẻ dữ liệu. Các chuyên gia bảo mật cũng chỉ ra những lỗ hổng dữ liệu trong ứng dụng và lên tiếng quan ngại về chính sách quyền riêng tư.


PIPC đã gửi yêu cầu chấn chỉnh đến DeepSeek, trong đó buộc dừng ngay lập tức việc chuyển prompt AI sang Beijing Volcano và thiết lập giao thức pháp lý để chuyển thông tin cá nhân ra nước ngoài.


Một số cơ quan nhà nước Hàn Quốc đã cấm nhân viên sử dụng DeepSeek trên thiết bị công việc. Các tổ chức khác trên toàn cầu, chẳng hạn tại Australia, Mỹ, cũng ban hành những lệnh cấm tương tự.


(Tổng hợp)