Hiện tượng này được gọi là biển sữa, rất khó nghiên cứu vì chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở những vùng biển xa xôi, nơi ít người nhìn thấy. Justin Hudson, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Khoa học Khí quyển thuộc Đại học bang Colorado, tổng hợp những lần nhìn thấy biển sữa trong 4 thế kỷ qua, tạo ra bộ dữ liệu mới để tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng này, CNN hôm 12/4 đưa tin.
Người quan sát thường mô tả biển sữa có màu trắng và xanh lá, ánh sáng phát ra đủ để đọc chữ. Hiện tượng này có thể kéo dài nhiều tháng liền, trải rộng tới 100.000 km2, và những lần xảy ra với quy mô lớn thậm chí quan sát được từ không gian.
Các nhà khoa học chưa rõ chính xác lý do biển sữa xuất hiện, nhưng theo nghiên cứu, có thể nguyên nhân là vi khuẩn phát quang sinh học Vibrio harveyi tập trung với số lượng lớn. Giả thuyết này dựa vào việc một tàu nghiên cứu đã thu thập và phân tích mẫu nước trong sự kiện biển sữa năm 1985.
"Hoàn cảnh hình thành và cách biển sữa khiến toàn bộ vùng biển phát sáng như vậy vẫn còn là bí ẩn", tiến sĩ Steven Miller, đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư khoa Khoa học Khí quyển tại Đại học bang Colorado, cho biết.
Biển sữa chủ yếu xuất hiện ở Biển Arab, vùng biển Đông Nam Á và có thể chịu tác động từ một số sự kiện khí hậu toàn cầu như Lưỡng cực Ấn Độ Dương và Dao động Nam - El Nino, Hudson cho biết. Các khu vực thường xuất hiện biển sữa có xu hướng trải qua hiện tượng nước trồi - khi dòng nước mát hơn, giàu dinh dưỡng dưới biển sâu được đưa lên bề mặt do gió mạnh.
"Đó là những nơi được định sẵn sẽ có nhiều hoạt động sinh học diễn ra. Nhưng có rất nhiều nơi trên Trái Đất như vậy. Vì thế, điều thực sự khiến những khu vực trên trở nên đặc biệt vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải", Hudson nói.
Biển sữa khác với hiện tượng phát quang sinh học gây ra bởi tảo đơn bào hai roi, một loại thực vật phù du, phổ biến hơn ở biển. Sinh vật này phát ra ánh sáng xanh da trời khi bị quấy nhiễu, ví dụ như khi cá bơi qua hoặc sóng ập vào bờ, khác với ánh sáng ổn định của biển sữa. Trong khi thực vật phù du phát sáng để phòng vệ, có thể vi khuẩn biển sữa phát sáng để thu hút cá - sau đó chúng sẽ được cá nuốt vào bụng và phát triển bên trong.
Các nhà khoa học chưa rõ biển sữa tác động thế nào đến sinh vật khác trong đại dương, đặc biệt là những sinh vật ẩn náu dưới đáy biển vào ban ngày và chỉ ngoi lên kiếm ăn khi trời tối. Bộ dữ liệu mới, công bố trên tạp chí Earth and Space Science, có thể sẽ mở đường cho những nghiên cứu sâu hơn nhằm trả lời nhiều câu hỏi như tại sao hiện tượng này xảy ra và nó có ý nghĩa thế nào với sự sống dưới đại dương.
Thu Thảo (Theo CNN)