Theo Nikkei, từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, các thương hiệu điện tử lớn nhất thế giới đã yêu cầu đối tác châu Á tăng cường sản xuất và vận chuyển smartphone, laptop, máy chủ sang Mỹ.
Những nỗ lực này càng rốt ráo hơn sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng mới lên các đối tác thương mại.
Vài ngày trước khi thuế mới có hiệu lực cũng là lúc các công ty chạy đua đưa nhiều sản phẩm nhất có thể, đặc biệt là thiết bị giá trên 3.000 USD, sang Mỹ.
Một quan chức tại nhà cung ứng cho Apple, Microsoft, Google tiết lộ khách hàng muốn vận chuyển bằng đường hàng không càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là họ không có đủ linh kiện và nguyên vật liệu. Do đó, họ chỉ có thể giao hàng trong vòng chưa đầy 1 tuần trước ngày bắt đầu áp thuế mới.
Chính phủ Tổng thống Donald Trump đánh thuế đối ứng với hơn 180 quốc gia trên thế giới kể từ ngày 9/4. Ảnh: Nikkei Một giám đốc công ty vận tải hàng không quốc tế mô tả nó là cuộc chạy đua với thời gian: ”Tất cả thủ tục thông quan đều phải hoàn thành trước nửa đêm ngày 8/4 theo giờ Mỹ, vì vậy chúng tôi nhận được những yêu cầu khẩn cấp từ châu Á”.
Song song với đó, các hãng còn nhìn sang các thị trường khác không bị ảnh hưởng nhiều từ thuế Mỹ làm trung tâm trung chuyển hoặc tăng cường sản xuất.
Đây chỉ là các giải pháp tình thế. Về lâu dài, các doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường khác ngoài Mỹ để bán hàng. Theo Nikkei, Lenovo hướng dẫn các nhóm tập trung hơn vào nội địa cũng như các nước tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”, các nước châu Âu.
Acer, hãng máy tính lớn thứ 6 thế giới, cũng chuyển hướng ưu tiên các thị trường mới nổi, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu. Asus – đứng thứ 5 thế giới về PC – chưa thực hiện thay đổi đột ngột nào trong chiến lược sản xuất.
Công ty cũng yêu cầu nhà cung ứng tạm dừng giao hàng sang Mỹ vì đã tích trữ lượng hàng tồn kho lớn ở đây.
Theo một quan chức công ty cung ứng cho Lenovo, HP, Dell và Asus, do có quá nhiều điều không chắc chắn, rất khó đưa ra quyết định cụ thể. Bất kỳ quyết định nào cũng có thể chỉ tồn tại trong 24, 48 hay 72 giờ trước khi bị điều chỉnh.
Dù vậy, một điều chắc chắn là họ nhận được yêu cầu từ nhiều khách hàng về việc chuyển hướng sang các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Âu.
Giám đốc một nhà cung ứng cho Apple, Google và Microsoft chỉ ra 75-80% thị trường điện tử tiêu dùng nằm ngoài nước Mỹ và các doanh nghiệp sẽ tập trung ở đó. “Ngay cả như Apple, Mỹ cũng không phải 100% thị trường. Chuỗi cung ứng đã xây dựng ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Mexico nhiều năm, những nỗ lực này không hề vô ích. Những mạng lưới đó sẽ có ích cho phần còn lại của thế giới”.