Rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam nằm ở nhóm những quốc gia bị áp thuế đối ứng (lên đến 46%) cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia.
Mức thuế 46% đối ứng đánh vào hàng Việt Nam xuất khẩu đến Mỹ được coi là rất cao, cao hơn khá nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, nhất là với các lĩnh vực đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất.
Mức thuế 46% mà ông Trump vừa áp lên hàng hóa Việt Nam được nhận định có thể ‘chặn cửa’ nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vào Mỹ.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, chính sách thuế này của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp công nghệ mà sẽ tác động nhiều đến mảng xuất khẩu nông sản, gỗ của Việt Nam.
Việc Mỹ áp thuế 46% không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: VT Chia sẻ với VietNamNet về chính sách thuế của Mỹ với Việt Nam, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, trước mắt chính sách thuế mới của Mỹ chưa ảnh hưởng gì đến Viettel. Tuy nhiên, phía Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Một câu hỏi đặt ra ở thời điểm này là đối với mảng dịch vụ Công nghệ CNTT mà những doanh nghiệp như FPT đang cung cấp tại Mỹ có là đối tượng áp dụng mức thuế này không. Câu trả lời là không bởi chính sách thuế của của Tổng thống Trump nhằm bảo hộ công nghiệp của Mỹ như may mặc, luyện kim, điện tử… không liên quan đến ngành dịch vụ. Mức thuế 46% không áp dụng với ngành dịch vụ CNTT.
Năm 2014, FPT đã ký hợp đồng trị giá 225 triệu USD với một khách hàng Mỹ. Dự án cũng đánh dấu bước chuyển đổi mô hình hợp tác với khách hàng, từ T&M (Time and Materials) sang Managed Services (Dịch vụ quản lý và giám sát hệ thống công nghệ thông tin) và sẽ kéo dài trong 3 năm với sự tham gia của hơn 1.000 chuyên gia phần mềm FPT tại onshore, nearshore, offshore. Thị trường Mỹ vẫn là thị trường đầy tiềm năng với FPT.
FPT không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ. Tương tự như FPT, đại diện Rikkeisoft - một doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm đang hướng mạnh vào thị trường Nhật và Mỹ cho biết doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Mỹ.
“Rikkeisoft không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế này. Tuy nhiên, một số khách hàng của Rikkeisoft tại Nhật sẽ bị ảnh hưởng. Khi Tổng thống Mỹ áp chính sách thuế mới với các quốc gia có điểm tích cực đối với chúng tôi - tỷ giá đồng Yên Nhật tăng”, ông Phan Thế Dũng, Phó Chủ tịch cấp cao Rikkeisoft nói.
Dưới góc nhìn của mình, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch VNPT Technology cho rằng, chính sách này không ảnh hưởng nhiều đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mà chủ yếu tác động đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Samsung, LG, Intel... bởi đây là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ.
“Tổng thống Mỹ mới tuyên bố mức áp thuế mới lên các quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chờ đợi Chính phủ Việt Nam có những đàm phán song phương với Mỹ. Việc Mỹ sẽ áp thuế mới đối với Việt Nam đã được cảnh báo từ lâu. Những “đại bàng” công nghệ đến Việt Nam tạo nên luồng gió mới cho Việt Nam. Nhưng để phát triển bền vững chúng ta vẫn phải dựa vào các doanh nghiệp trong nước. Về mặt vĩ mô, Đảng và Chính phủ đã rất quyết liệt như Nghị quyết 57 của Đảng và Nghị quyết 103 của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ cũng đã chuẩn bị cho Việt Nam sự phát triển bền vững trên tinh thần tự lực”, ông Trần Hữu Quyền nói.
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với phía Hoa Kỳ, để thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hai bên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan...
Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước; rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách phù hợp và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Intel.