Vườn quốc gia Yellowstone mất một trong những cư dân nổi tiếng và kiên cường nhất, đó là một con chó sói một mắt 11 năm tuổi đã đẻ kỷ lục 11 lứa con trong cuộc đời kéo dài của nó. 907F thường được gọi là "Nữ hoàng chó sói" bởi vai trò nổi trội của nó trong đàn Junction Butte, chết vào ngày 25/12/2024 sau một cuộc đụng độ với đàn đối thủ. 907F sống lâu gấp đôi tuổi thọ thông thường của sói xám ở Yellowstone (4 - 5 năm). Tuổi thọ và vai trò đầu đàn biến nó thành nhân vật huyền thoại trong hệ sinh thái ở vườn quốc gia và đối với những người yêu động vật hoang dã, theo Live Science.
Sự kiện dẫn tới cái chết của nó bắt đầu vào ngày 22/12 khi 907F và con non ăn xác bò rừng bison ở bờ phía bắc sông Yellowstone. Các thành viên trong đàn đối thủ Rescue Creek thường bị giới hạn ở bờ phía nam, bất ngờ vượt sông và tham gia vào cuộc giao tranh dữ dội với đàn của 907F.
Dù 907F sống sót qua cuộc chạm trán ban đầu, nó chịu những vết thương chí mạng. Vòng cổ vô tuyến của nó do các nhà sinh vật học Yellowstone theo dõi hé lộ nó không chuyển động hôm 26/12, chứng tỏ con chó sói đã chết. "Điều đó thật đáng buồn. Nhưng đối với tất cả thành viên trong dự án, chúng tôi luôn muốn thấy chó sói chết tự nhiên thay vì chết trong tay con người", Taylor Rabe, kỹ thuật viên động vật hoang dã trong Dự án chó sói Yellowstone, chia sẻ.
907F là một trong 6 con chó sói đã sống tới 11 năm từ khi loài vật được tái giới thiệu ở vườn quốc gia Yellowstone năm 1995, theo Smithsonian Magazine. 907F từng trải qua nhiều bi kịch. Các nhà khoa học nghi ngờ nó mất mắt trái khi 4 tuổi, dù nguyên nhân chưa rõ ràng. 907F cũng sống sót sau khi mắc bệnh ghẻ, một bệnh truyền nhiễm ngoài da gây ra bởi con mạt đào hang trên da.
Bất chấp nghịch cảnh, nó tiếp tục dẫn dắt cả đàn hiệu quả, thậm chí đẻ một lứa con vào mùa xuân năm 2024, khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ bởi sức sống của nó ở độ tuổi lớn như vậy. 907F sinh con mỗi năm trong cả thập niên trước khi chết, từ khi nó trở nên thành thục. Điều này biến 907F thành con sói sinh sản thành công nhất trong lịch sử Yellowstone.
An Khang (Theo Live Science)