Trung Quốc đang tiến hành dự án cơ sở hạ tầng có thể thuộc hàng lớn nhất từ trước tới nay mang tên Nam Thủy Bắc Điều hay Dự án vận chuyển nước Nam - Bắc. Đây là sáng kiến tham vọng nhằm phân bố lại hàng tỷ m3 nước hàng năm ở một trong những đất nước lớn nhất thế giới, trải dài 4.345 km.
Trung Quốc có dân số bằng 20% dân số thế giới nhưng tài nguyên nước chỉ bằng 1/6. Nhận rõ sự chênh lệch giữa điều kiện khô cằn ở miền bắc giữ vai trò quan trọng trong công nghiệp và nông nghiệp với lũ lụt ở miền nam, ý tưởng phân bố lại nước được đề xuất lần đầu tiên bởi chủ tịch Mao Trạch Đông vào năm 1952.
Điều này dẫn tới Dự án vận chuyển nước Nam - Bắc đầy tham vọng. Bắt đầu năm 2002 và dự kiến hoàn thành năm 2050, dự án này là một trong những nỗ lực quản lý tài nguyên nước bao quát nhất của Trung Quốc. Nó vận hành cùng với nhiều công trình quan trọng khác như đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, góp phần đáp ứng nhu cầu của dân số tăng nhanh và nền kinh tế ngày càng phát triển của Trung Quốc. Đặc biệt về mặt quy mô, dự án vận chuyển nước được thiết kế để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho tương lai thông qua nối liền khu vực phía nam giàu tài nguyên nước với phía bắc khô cằn.
Dự án vận chuyển nước Nam - Bắc bao gồm 3 tuyến chính, mỗi tuyến giải quyết những thách thức khác nhau về mặt địa lý và hậu cần để quản lý nguồn tài nguyên nước của Trung Quốc một cách hiệu quả.
Tuyến trung tâm
Tuyến trung tâm gồm một kênh đào dài 1.264 km từ hồ chứa nước Đan Giang Khẩu trên sông Hán Thủy thuộc hệ thống sông Dương Tử. Kênh đào này sử dụng một loạt đập để tạo ra dòng chảy trọng lực, đảm bảo nguồn cung cấp nước liên tục tới Bắc Kinh.
Những quy định nghiêm ngặt ngăn xả rác xuống kênh đào nhằm duy trì chất lượng nước để dùng làm nước uống và nấu ăn. Hoàn thành năm 2014, quá trình xây dựng tuyến này dẫn tới khoảng 330.000 người phải di dời chỗ ở từ những khu vực gần hồ chứa nước và giảm đáng kể lưu lượng nước trên sông Hán Thủy, nêu bật tác động xã hội và môi trường đáng kể của dự án.
Tuyến phía đông
Đã đi vào hoạt động dù chưa hoàn thành, tuyến phía đông nâng cấp và mở rộng hệ thống kênh đào Đại Vận Hà cổ đại, có niên đại từ thế kỷ 5 trước Công nguyên. Hệ thống này chuyển dòng nước từ sông Dương Tử tới những thành phố phía bắc như Thiên Tân. Khác với tuyến trung tâm dựa vào trọng lực, tuyến phía đông dựa vào hơn 20 trạm bơm nước dọc theo chiều dài 1.100 km của nó để điều phối lưu lượng nước, phản ánh sự kết hợp phức tạp giữa kỹ thuật cổ đại và công nghệ hiện đại.
Tuyến phía tây
Tuyến phía tây là lộ trình gây tranh cãi nhất trong cả 3 và chưa bắt đầu xây dựng. Kế hoạch là dẫn nước từ phụ lưu sông Dương Tử gần cao nguyên Tây Tạng tới các khu vực khô cằn như Nội Mông, Thanh Hải và Cam Túc. Tuy nhiên, tuyến đường này đối mặt nhiều thách thức lớn về mặt sinh thái và chính trị. Cao nguyên Tây Tạng là nguồn chủ chốt của vài sông lớn khác ở châu Á bao gồm Mekong và Brahmaputra chảy qua nhiều nước khác ngoài Trung Quốc. Chuyển dòng nước từ các nguồn đó có thể dấy lên lo ngại về tác động đối với một số quốc gia ở hạ nguồn và khiến căng thẳng trong khu vực trở nên trầm trọng.
Tác động của dự án
Tuyến trung tâm và phía đông rất cần thiết đối với an ninh kinh tế và sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt do chúng đưa nguồn tài nguyên quan trọng tới những trung tâm chính trị và công nghiệp chủ chốt như Bắc Kinh. Tuy nhiên, dự án cũng vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích, đặc biệt ở những tỉnh phía nam do lo ngại nguồn cung cấp nước sụt giảm càng trầm trọng bởi biến đổi khí hậu. Ví dụ, tỉnh Hồ Bắc phải duy trì mực nước cao ở hồ chứa để hỗ trợ tuyến trung tâm, do đó hạn chế lượng nước có sẵn tại địa phương.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh dự án chuyển dòng nước sẽ giải quyết nhu cầu hỗ trợ miền bắc khô cằn, bao gồm Bắc Kinh, trung tâm chính trị và công nghiệp quan trọng. Khi hoàn thành, dự án sẽ vận chuyển 45 tỷ m3 nước hàng năm từ miền Nam tới miền Bắc.
Dù có quy mô khổng lồ và mục tiêu tham vọng, Dự án vận chuyển nước Nam - Bắc mang đến nhiều thách thức lớn về mặt xã hội và môi trường. Việc thay đổi rộng rãi cảnh quan và hệ sinh thái sẽ gây ra nhiều gián đoạn ngoài hệ thống kênh đoài.
Dự án biến đổi đáng kể hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt dọc theo tuyến phía đông, nơi phụ thuộc nhiều vào các hồ và sông phụ lưu. Sự gián đoạn này tác động nghiêm trọng tới đời sống thủy sinh, đặc biệt là quần thể cá. Vận chuyển nước từ nam ra bắc cũng đi kèm nhiều mối nguy hại như dịch bệnh. Ví dụ, bệnh ký sinh trên ốc sên ở miền nam Trung Quốc hiện nay cũng đe dọa miền bắc, dấy lên lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng. Vấn đề cấp thiết khác là tình trạng xâm nhập mặn xảy ra khi chuyển dòng lượng lớn nước từ một khu vực, biến đổi sự cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái địa phương và khiến lượng nước còn lại không phù hợp với nông nghiệp hoặc tiêu dùng.
Dù có chi phí lên tới 70 tỷ USD và mất hàng thập kỷ xây dựng, tính khả thi trong dài hạn của dự án vẫn đáng xem xét. Một số quan chức Trung Quốc bày tỏ lo ngại về độ bền vững của duy trì và quản lý hệ thống. Chi phí vận hành cao đi kèm gián đoạn đời sống xã hội và môi trường dẫn tới câu hỏi liệu dự án này có phải giải pháp thực tế cho tình trạng khan hiếm nước của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng những giải pháp thay thế có thể giảm thiểu nhu cầu đối với dự án quy mô lớn như vậy. Hệ thống cung cấp nước trong đô thị của Trung Quốc có nhiều yếu kém bao gồm đường ống rò rỉ và cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Mặc dù một số bước tiến đã diễn ra trong vài năm gần đây, hệ thống quản lý nước vẫn thiếu minh bạch, trở thành thách thức với nhà chức trách.
Theo giáo sư Stephan Pfister ở ETH Zurich, một phần nước vận chuyển được sử dụng cho nông nghiệp, do nhu cầu lương thực của dân số ngày càng tăng. Một giải pháp khả thi hơn là giảm trồng trọt hoa màu tiêu hao nhiều nước như lúa mì và ngô. Dù ban đầu tốn kém hơn, giải pháp thay thế như tái chế nước mưa và khử mặn nước biển có thể bền vững hơn, giúp tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường hơn dự án vận chuyển nước.
An Khang (Theo Interesting Engineering)