Hãng tin CNBC cho hay nhiều nhà kinh tế đang cảnh báo chiến thuật "hù dọa" của Indonesia nhằm thu hút vốn từ Apple cùng các tập đoàn công nghệ là không thể mang lại lợi ích dài hạn, thậm chí có thể phản tác dụng.
Việc yêu cầu đầu tư và nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất tại địa phương của Indonesia là chính đáng nhưng chúng cần đi kèm với các động thái phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao cùng vô số những yếu tố khác thay vì chỉ dựa vào thị trường đông dân nhất Đông Nam Á.
"Tôi gọi đó là chủ nghĩa bảo hộ giả tạo. Nó không hẳn là bảo vệ thị trường trong nước khỏi các sản phẩm nhập khẩu mà là cố gắng đe dọa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này. Họ nghĩ rằng nếu họ đe dọa được các tập đoàn lớn như Apple thì những doanh nghiệp nước ngoài này sẽ đầu tư nhiều hơn vào Indonesia", Giám đốc điều hành Bhima Yudhistira Adhinegara của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS) cho biết.
Đồng quan điểm, nhà kinh tế học người Indonesia Krisna Gupta cho rằng các tập đoàn công nghệ quốc tế sẽ phải cân nhắc một loạt yếu tố bao gồm các chính sách và việc thực thi pháp luật, sự ổn định của chính sách thương mại và thị trường lao động...
"Indonesia sẽ cần phải tăng cường trò chơi của mình trên mọi phương diện. Họ không thể chỉ nói rằng ‘chúng tôi có một thị trường lớn, nếu bạn muốn ở đây thì phải đầu tư nhiều hơn’ được", ông Gupta cho hay.
Theo CNBC, các nước láng giềng dù không có thị trường đông dân như Indonesia nhưng lại có sự khôn ngoan trong việc thực hiện chính sách, qua đó thu hút được các tập đoàn công nghệ đầu tư.
Trong khi đó Indonesia đã từng vấp phải bài học đáng giá khi Elon Musk từ chối mở nhà máy Tesla tại đây vì cho rằng các chính sách quá "khó".
Ai cần ai?
Hiện Indonesia đang là thị trường lớn nhất Đông Nam Á và đông dân thứ 4 trên thế giới. Tuy nhiên Indonesia chỉ là một thị trường nước ngoài nhỏ đối với Apple khi có rất ít người tiêu dùng đủ giàu để mua một chiếc iPhone đắt đỏ.
Chỉ riêng vốn hóa thị trường của Apple đã lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia.
Theo thành viên hội đồng quản trị Arianto Patunru tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Indonesia (CICS), Apple có thể quan tâm hơn đến việc sử dụng Indonesia làm cửa ngõ vào thị trường khu vực Đông Nam Á chứ không phải thực sự vì thị trường đông dân này.
Ông Patunru cho rằng các chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu như của Apple liên quan đến việc cắt giảm giá trị gia tăng, vì vậy mỗi quốc gia chỉ có thể đóng góp một lượng nhỏ vào chuỗi này thay vì có thể thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng chính của nhà táo khuyết.
Ngay cả Ấn Độ với tham vọng thay thế Trung Quốc cũng đang khá vất vả do gặp vấn đề thiếu hụt nhân lực trình độ cao, cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn cung nguyên liệu và các chuỗi cung ứng chưa được hoàn thiện.
Bởi vậy chính sách của Indonesia yêu cầu 40% linh kiện điện thoại hoặc máy tính bảng phải được sản xuất trong nước là điều rất khó khăn cho Apple nếu suy xét các yếu tố khác đi kèm.
Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng chính sách hù dọa của Indonesia có thể phản tác dụng.
Hầu hết các nhà kinh tế đã nói chuyện với CNBC cho biết họ không tin rằng các chính sách nội dung sẽ có hiệu quả để thu hút các công ty như Apple và thay vào đó sẽ có tác dụng ngược lại.
Ông Panturu cho biết việc yêu cầu 40% linh kiện phải được nội địa hóa của Indonesia đã không thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thậm chí chúng đã góp phần khiến các công ty như Foxconn và Tesla rút khỏi những dự án phát triển tại đây trong vài năm qua.
Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy dù FDI của Indonesia đã tăng lên trong những năm qua nhưng FDI tính theo tỷ trọng GDP lại giảm trong hai thập kỷ qua.
Cùng quan điểm, giám đốc Adhinegara của CELIOS cho rằng chiến thuật hù dọa của Indonesia với Apple sẽ phản tác dụng bởi chúng tạo ra ấn tượng rất tệ về môi trường đầu tư tại đây, khiến các doanh nghiệp có cảm tưởng về sự không chắc chắn trong các quy định và chính sách.
Việc các quy định, tiêu chuẩn và chính sách thay đổi cho từng trường hợp cụ thể sẽ tạo ấn tượng xấu với nhà đầu tư nước ngoài và có thể ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn.
Chuyên gia Yessi Vadila tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERI) nhận định những yêu cầu nội địa hóa của Indonesia không phù hợp với lợi ích doanh nghiệp khi chi phí tăng, sức cạnh tranh xuất khẩu giảm, năng suất hạn chế và ít tác động đến tăng trưởng lợi nhuận.
Bài học từ láng giềng
Một số chuyên gia cho rằng những thành công trong quá khứ trong chính sách cứng rắn trước đây của Indonesia đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhưng sẽ không đủ để hù dọa những tập đoàn lớn như Apple.
Nhà kinh tế học Gupta cho hay Indonesia đã khiến Samsung cùng các hãng điện thoại Trung Quốc phải đầu tư xây một số nhà máy, cơ sở. Việc chính phủ thực hiện các chính sách bảo hộ như nâng thuế quan hay cấm các ứng dụng thương mại như TikTok đã tạo sức ép cho việc đầu tư vào nội địa.
Tuy nhiên giám đốc Adhinegara của CELIOS cho rằng quốc gia này phải ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng cạnh tranh, xây dựng nguồn nhân lực và đưa ra các ưu đãi đầu tư thay vì chỉ là các chính sách bảo hộ.
Nói cách khác, Indonesia cần một cách tiếp cận toàn diện hơn để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn về dài hạn.
Hãng tin CNBC cho hay những quốc gia láng giềng dù không đông dân bằng Indonesia nhưng lại thu hút được nhiều khoản đầu tư công nghệ hơn. Thay vì các yêu cầu nghiêm ngặt về tỷ lệ nội địa hóa hay chính sách hù dọa, những nền kinh tế láng giềng đã tận dụng thành công các ưu đãi đầu tư, chính sách nhất quán và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ so với các đối thủ trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc nước láng giềng thiết lập được một hiệp định thương mại tự do với châu Âu, trong khi Indonesia vẫn đang cố gắng đạt được các điều khoản trong một thỏa thuận, cũng là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định của các tập đoàn công nghệ.
Ngoài ra, những quốc gia tại Đông Nam Á hưởng lợi chính từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng có ưu thế hơn Indonesia.
Việc ông Donald Trump đắc cử và có thể đề xuất thuế quan mạnh với Trung Quốc có thể làm rung chuyển chuỗi cung ứng tại Châu Á, tạo ra cơ hội và thách thức cho nhiều nền kinh tế.
Bất chấp điều đó, giám đốc Adhinegara của CELIOS cho rằng trừ phi Indonesia học hỏi được cách các nước láng giềng thu hút những tập đoàn quốc tế như thế nào, bằng không nền kinh tế đông dân nhất khu vực này sẽ lại bỏ lỡ cơ hội một lần nữa.
Tranh cãi
Mặc dù đã ra mắt được vài tháng nhưng Apple vẫn chưa được gia hạn giấy phép bán iPhone 16 tại Indonesia sau khi chính phủ nước này yêu cầu nhà táo khuyết phải đầu tư hơn nữa, xây dựng cơ sở sản xuất thay vì những trung tâm đào tạo như hiện nay.
Sau khi từ chối đề xuất trị giá 100 triệu USD của Apple, chính phủ Indonesia đã một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa linh kiện và đang yêu cầu nhà táo khuyết đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất điện thoại di động tại đây.
Mục đích của Indonesia là bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương và tạo ra chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng, qua đó cạnh tranh với các nước láng giềng trong khu vực để thu hút sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặc dù chính sách về tỷ lệ nội địa hóa đã thu hút được cam kết từ một số nhà sản xuất trong quá khứ nhưng các nhà kinh tế cho rằng chính sách này vẫn còn sai lầm và bỏ qua nhiều lý do sâu xa hơn khiến Indonesia không thu hút được chuỗi cung ứng công nghệ.
Cho đến gần đây, Apple đã giành được thiện chí tại Indonesia bằng cách xây dựng "Học viện phát triển Apple", nơi sinh viên được đào tạo các kỹ năng như phát triển phần mềm.
Trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 4/2024, CEO của Apple Tim Cook đã thông báo rằng công ty sẽ mở một học viện thứ tư tại Bali.
Thế nhưng hiện tại chính phủ Indonesia đang tìm kiếm nhiều hơn từ chuỗi cung ứng của Apple và muốn có nhiều cơ sở hơn tham gia vào quá trình sản xuất thực tế các sản phẩm.
Các quan chức cũng cho biết giá trị các khoản đầu tư được đề xuất trước đây của Apple thấp hơn so với doanh số bán hàng tại Indonesia với lập luận rằng các công ty điện thoại thông minh như Xiaomi của Trung Quốc và Samsung của Hàn Quốc đã đầu tư nhiều hơn.
*Nguồn: CNBC
Lấy link