Top 100 món ăn ngon nhất thế giới năm 2024 gây tranh cãi
Mới đây, chuyên trang về ẩm thực TasteAtlas đã công bố một bản danh sách 100 món ăn ngon nhất thế giới năm 2024. Điều đặc biệt là Việt Nam có một đại diện duy nhất lọt vào bảng xếp hạng này.
Đây là danh sách hàng năm và nó liên tục tạo ra những tranh cãi khi nhiều món ẩm thực hàng đầu thế giới không xuất hiện, cùng với việc một số món ăn đứng đầu trong danh sách lại bị cho là không xứng đáng.
Tờ New York Post đã nhận xét: "TasteAtlas đã liều lĩnh khi công bố danh sách 100 món ăn ngon nhất thế giới cho năm 2024. Làm cách nào mà họ lại tạo ra được một danh sách gây chia rẽ đến vậy? Người Mỹ có lẽ cảm thấy tự hào về một số món ăn của họ được xướng danh, nhưng lại thật buồn khi Vương quốc Anh chẳng có món nào được ghi nhận."
Theo bảng xếp hạng này, món Lechona của Colombia, làm từ thịt heo và chiếm vị trí số 1, gồm các nguyên liệu như thịt heo đã ướp, đậu Hà Lan, hành tây... tất cả được nhét vào trong phần bì heo đã muối. "Người ta khéo léo khâu kín phần bì này để giữ chặt nhân thơm ngon bên trong, rồi từ từ quay trong nhiều giờ cho đến khi bì heo chuyển sang màu vàng, trở nên giòn rụm và phần thịt bên trong thì mềm mại, đượm đà hương vị".
Ở vị trí thứ hai trên danh sách là pizza Neapolitan đến từ Ý. Đây là một món ăn đơn giản với bánh pizza có đế mỏng, được phủ lên trên là nước sốt cà chua thơm mùi tỏi và oregano, cùng với phô mai mozzarella và lá húng quế tươi, màu sắc của những nguyên liệu này được cho là biểu tượng cho quốc kỳ Ý.
Mặc dù thịt bò Wagyu Nhật Bản cao cấp thường được xem là chuẩn mực của thịt bò ngon, nhưng những người hâm mộ của TasteAtlas lại chọn món thịt bò từ Brazil là ngon nhất. Cụ thể, món bò bít tết Picanha của Brazil chiếm vị trí thứ ba.
Các món ăn còn lại trong danh sách 10 món hàng đầu bao gồm: Rechta từ Algeria, Phanaeng Curry từ Thái Lan, Asado từ Argentina, Çökertme kebabı từ Thổ Nhĩ Kỳ, Rawon từ Indonesia, Cağ kebabı cũng từ Thổ Nhĩ Kỳ và Tibs từ Ethiopia.
Đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong danh sách là món phở bò. Theo TasteAtlas, phiên bản phở bò này được nấu với các loại thịt bò và nước dùng từ xương bò, bắp và đuôi bò, còn trên mặt phở bao gồm thịt gầu, lõi, thịt tái nạm, gân và thậm chí là bò viên.
Phở bò – Món ăn quen thuộc của người Việt Nam
Theo Cục Du lịch Quốc gia, món Phở được cho rằng đã hình thành vào đầu thế kỷ 20. Có hai giả thuyết chính về nơi xuất xứ đầu tiên của món Phở ở Việt Nam: một là Nam Định và hai là Hà Nội, đây cũng chính là những nơi đã làm cho món ăn này trở nên phổ biến và nổi tiếng.
Phở có nguồn gốc từ Bắc Việt Nam, lan tỏa đến miền Trung và miền Nam vào khoảng những năm 1950 sau sự kiện Pháp thất thế tại Đông Dương và Việt Nam chia cắt thành hai miền. Năm 1954, người dân miền Bắc di cư vào miền Nam đã đem theo món phở, và kể từ đó phở bắt đầu phát triển những biến thể khác nhau.
Trước kia, người ta thường chỉ ăn phở bò chín với những phần thịt đa dạng như "chín, bắp, nạm, gầu", sau đó thì mọi người cũng bắt đầu quen với việc thưởng thức phở tái, phở gà. Tiến xa hơn, một số nhà hàng đã thử sáng tạo bằng cách sử dụng thịt vịt hay thịt ngan để nấu phở nhưng không được đón nhận nhiệt liệt. Bên cạnh đó cũng có các biến thể của món ăn này với bánh phở truyền thống như phở cuốn, phở xào ra đời vào thập niên 1970, và phở rán xuất hiện trong thập niên 1980...
Nhà văn Thạch Lam đã miêu tả trong tác phẩm "Hà Nội băm sáu phố phường" rằng: "Phở là một nét đặc trưng quý giá của Hà Nội, không phải chỉ Hà Nội mới có món này, mà vì chỉ có ở Hà Nội, phở mới thực sự ngon". Phở ngon theo ông là phở "cổ điển", được nấu với thịt bò, "nước dùng phải trong veo và ngọt ngào, miếng bánh phải dẻo mà không bị nát, thịt mỡ gầu phải giòn không dai và cần phải có đủ chanh, ớt và hành tây", "rau thơm phải tươi ngon, hạt tiêu bắc thơm lừng, thêm vào đó là giọt chanh cốm đậm đà và một ít cà cuống, nhẹ nhàng tỏa hương như để gợi lên một sự hoài nghi". Đến thập niên 1940, phở đã trở nên vô cùng phổ biến ở Hà Nội: "Phở là món ăn được thưởng thức quanh năm bởi mọi tầng lớp người dân, đặc biệt là công chức và thợ thuyền. Mọi người ăn phở vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối...".
Từ giữa thập kỷ 60 đến trước những năm 1990, do nhiều yếu tố bao gồm cả quản lý hành chính bao cấp trong lĩnh vực lương thực và thực phẩm, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã nổi lên hiện tượng "phở không người lái" hay còn gọi là phở không thịt tại các cửa hàng thương mại Nhà nước. Trong giai đoạn bao cấp ở Hà Nội, người dân có xu hướng cho thêm nhiều mì chính vào nước phở. Song song với quá trình đổi mới từ những năm 1990, phở đã trở nên đa dạng hơn và người dân Hà Nội bắt đầu thưởng thức phở với quẩy nhỏ.
Tại Hà Nội, phở là một món ăn đặc trưng không rõ nguồn gốc từ khi nào và được thưởng thức riêng lẻ vào buổi sáng, trưa hoặc tối, không kết hợp cùng với món ăn khác. Phở có nước dùng được hầm từ xương bò gồm xương cục, xương ống và xương vè. Thịt trong phở thường là thịt bò hoặc thịt gà. Bánh phở cần phải mỏng, dai nhưng vẫn mềm và phở được gia giảm hương vị bằng hành lá, hạt tiêu, giấm ớt, lát chanh.
Lấy link