Trên diện tích 143,7 ha, Công việc Logistics Viettel Lạng Sơn trở thành trung tâm logistics hiện đại nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây được coi là “vườn ươm” công nghệ do người Việt Nam làm chủ công nghệ lõi.
Lựa chọn những điểm ưu việt nhất từ các mô hình trung tâm logistics thành công trên thế giới như Moorebank Logistics Park (Úc), Trung tâm giao dịch nông sản Rungis (Pháp), Talaad Thai Logistics Center (Thái Lan), Viettel Post phối hợp với các cơ quan như Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các đối tác nước ngoài,… để xây dựng mô hình vận hành và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất tại công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn.
Trọng tâm đầu tiên là hạ tầng số hóa và quản lý thông minh, được triển khai tại các phân khu chức năng quan trọng nhất của công viên. Trung tâm điều hành NOC - "bộ não" của công viên, là nơi tích hợp giải pháp số hóa toàn diện để giám sát và điều phối mọi hoạt động. Tại đây, hơn 2.000 camera AI ultraview cùng hệ thống quản lý thông minh cung cấp dữ liệu thời gian thực, giúp tối ưu hóa quy trình vận hành.
Nổi bật tại NOC là công nghệ Digital Twin (Bản sao số), cho phép mô phỏng toàn bộ hoạt động logistics trong thời gian thực dựa trên dữ liệu từ các thiết bị IoT. Công nghệ này không chỉ giúp giám sát hiệu suất và lưu lượng hàng hóa mà còn dự báo các sự cố tiềm ẩn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và giảm thiểu rủi ro một cách tối đa.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý vận tải thông minh (TMS), ứng dụng AI và GPS, hỗ trợ theo dõi lộ trình vận chuyển, phân tích dữ liệu lớn và dự đoán các vấn đề tiềm ẩn. Hệ thống này đã góp phần giảm 15% chi phí vận chuyển, đồng thời đảm bảo thời gian giao hàng chính xác, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Trong công viên logistics, không thể không nhắc đến quản lý kho bãi. Tại đây, công nghệ quản lý kho thông minh (Smart WMS) ứng dụng RFID và IoT đã được triển khai, cho phép theo dõi hàng hóa theo thời gian thực, tối ưu hóa không gian lưu trữ và giảm thiểu sai sót trong quá trình quản lý. Nhờ đó, hiệu suất hoạt động của kho đã tăng lên 30%, đồng thời chi phí quản lý giảm đến 25%.
Bên cạnh hạ tầng số hóa và quản lý thông minh, công viên còn tích hợp hàng loạt công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đơn cứ như cổng thông minh (Smart Gate), ứng dụng AI, cho phép nhận diện biển số xe, mã container và sinh trắc học tài xế, giúp tăng tốc độ xử lý phương tiện lên gấp ba lần so với phương pháp truyền thống. Ứng dụng V-Gate hỗ trợ doanh nghiệp và lái xe đặt chỗ, theo dõi dịch vụ từ xa, tối ưu hóa thời gian và giảm chi phí quản lý.
Nhằm bảo vệ sức khoẻ người lao động, các công nghệ được ứng dụng để tối ưu thời gian và nguồn nhân lực. Khu sang tải tự động sử dụng băng tải telescospic thay vì nhân công trực tiếp, giúp giảm thời gian chuyển hàng giữa 2 container chỉ còn 30-40 phút thay vì 3 tiếng như cách làm truyền thống. Khu xử lý hàng thương mại điện tử và hàng chuyển phát nhanh sử dụng hệ thống robot AGV tự hành do chính Viettel Post làm chủ, kết hợp với hệ thống nhận dạng và phân loại tự động DWS, hệ thống soi chiếu tự động có khả năng giám sát, kiểm tra, thông quan 600.000 bưu phẩm/ngày.
Hay hệ thống soi chiếu 6 chiều với tia X-Ray tự động đảm bảo an ninh bằng cách phát hiện chính xác các vật phẩm nguy hiểm mà không cần mở container, từ đó rút ngắn thời gian kiểm tra và tăng tính an toàn. Đặc biệt, hệ thống robot AGV tự hành và công nghệ phân loại tự động DWS đã giúp công viên xử lý đến 600.000 bưu phẩm mỗi ngày, cải thiện tốc độ vận hành và giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhân lực.
Không chỉ tập trung vào hiệu suất, Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn còn chú trọng đến phát triển bền vững. "Công viên logistics Viettel Lạng Sơn luôn hướng đến phát triển bền vững - đi cùng với mục tiêu phát triển quốc gia," ông Hoàng Trung Thành, Tổng Giám đốc Viettel Post, nhấn mạnh. Theo đó, công viên được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh LEED, hướng tới một công trình tiết kiệm năng lượng, tự động hóa cao và thân thiện với môi trường sống.
Chính vì vậy, các giải pháp bền vững bao gồm trồng hơn 3.000 cây xanh trong khuôn viên, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Trong đó, nổi bật là công nghệ sang tải tự động, hệ thống kho dùng robot hoạt động trong bóng tối, và kho 3D giúp tiết kiệm điện năng, mang lại hiệu quả vận hành vượt trội.
Thực tế, các công nghệ này hội tụ tại công viên logistics thông minh đầu tiên tại Việt Nam là cầu nối quan trọng trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Việc sử dụng công nghệ kết nối dữ liệu hải quan Việt Nam - Trung Quốc đã rút ngắn thời gian thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam (đặc biệt là nông sản tươi sống) và mở rộng cơ hội giao thương.
Công nghệ hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới, tạo ra những con số hiệu quả vượt trội như số chuyến vận tải trái cây bằng container lạnh tăng từ 2,5 chuyến lên 4-5 chuyến mỗi tháng, chi phí thông quan giảm từ 30-40%, và lượng xe thông quan mỗi ngày dự kiến tăng từ 1.500 xe lên 6.000 xe vào năm 2030.
Quả thực, công viên Logistics Viettel Lạng Sơn không chỉ là nơi thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, mà còn là biểu tượng của tầm nhìn chiến lược đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics khu vực. Với sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và hạ tầng đẳng cấp, công viên hứa hẹn tiếp tục lan tỏa giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Lấy link