Thông tin Honda đang đàm phán sáp nhập Nissan khiến giới truyền thông bất ngờ, nhưng một cái tên liên quan còn khiến mọi người nghi hoặc hơn, đó là Foxconn.
Nhà sản xuất thiết bị điện tử Foxconn từ lâu đã nổi tiếng là đơn vị lắp ráp gia công iPhone lớn cho Apple và việc thương hiệu này tạo sức ép khiến Nissan phải sáp nhập với Honda đang khiến các chuyên gia đồn đoán.
Theo nhiều chuyên gia, việc doanh số iPhone giảm tốc và Apple dần mất vị thế trước làn sóng trí thông minh nhân tạo (AI) mà đặc biệt là Nvidia đã khiến Foxconn phải tìm lối ra mới.
Tờ Nikkei Asian Review nhận định việc mua cổ phần của nhà sản xuất ô tô nổi tiếng lâu đời này sẽ là con đường nhanh nhất để Foxconn mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình trong ngành.
Hãng sẽ không chỉ có được bí quyết sản xuất ô tô của Nissan mà còn có quyền tiếp cận các kênh bán hàng toàn cầu và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
"Động cơ của Foxconn khá rõ ràng. Công ty vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào trong tham vọng sản xuất xe điện của mình và hầu hết khách hàng của công ty đều là các công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ hơn. Đây là thời điểm tốt nhất với chi phí rẻ nhất để Foxconn thực hiện động thái này vì giá cổ phiếu của Nissan đã giảm trong một thời gian dài", chuyên gia phân tích Chiu Shih Fang tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết.
Tờ New York Times (NYT) cho hay Foxconn đã đổ hàng trăm triệu USD mở các nhà máy ở Đông Nam Á. Hãng này có kế hoạch sản xuất ắc quy xe điện và các linh kiện ô tô khác ở Thái Lan và Việt Nam, đồng thời sản xuất Microchip cho xe hơi ở Malaysia .
Tập đoàn này cũng đang lên kế hoạch mở nhà máy ắc quy trị giá hàng tỷ USD ở Indonesia, đồng thời đang đàm phán với 2 hãng xe Nhật Bản để hợp tác làm ô tô điện.
Hàng loạt những động thái này của Foxconn khiến nhiều người bất ngờ bởi câu hỏi đặt ra là họ sẽ bán xe điện cho ai khi khách hàng lớn nhất Apple đã từ bỏ dự án ô tô điện của mình?
Lối thoát
Chủ tịch Foxconn Young Liu, người đã tiếp quản vị trí này từ người sáng lập Terry Gou vào năm 2019, từ lâu đã xác định xe điện là nguồn doanh thu mới quan trọng cho gã khổng lồ điện tử đã tồn tại nửa thế kỷ này.
Ông Liu đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là chiếm 5% thị trường xe điện toàn cầu, đạt doanh thu 1 nghìn tỷ New Taiwan Dollars (NTD), tương đương 30,5 tỷ USD và nâng biên lợi nhuận gộp của công ty lên 10% vào năm 2025.
Rõ ràng, Foxconn đang tìm kiếm động lực tăng trưởng vượt ra ngoài Apple và các thiết bị điện tử tiêu dùng nói chung. Công ty vẫn là nhà sản xuất iPhone và iPad lớn nhất nhưng đà tăng trưởng đang chậm lại khi nhu cầu về điện thoại thông minh và máy tính bảng ngày càng tăng.
Tháng 2/2024, Apple chính thức từ bỏ dự án làm xe điện sau nhiều năm phát triển và hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư.
Bất chấp điều đó, Foxconn vẫn dự kiến xây dựng một nhà máy xe điện tại Zhengzhou, được mệnh danh là "thành phố iPhone", nơi đặt hầu hết cơ sở hạ tầng, nhà máy, chuỗi cung ứng cùng 250.000 nhân viên của hãng trong việc sản xuất iPhone cho Apple.
Mặc dù Apple không làm xe điện nữa nhưng thị trường Trung Quốc vẫn rất sôi động và Foxconn không muốn nằm ngoài cuộc chơi này.
Trong khi khách hàng lớn Apple từ bỏ thì vẫn còn vô số những khách hàng khác muốn chạy theo cuộc đua xe điện. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tiếp cận khả năng sản xuất hợp đồng xe điện giá rẻ của Trung Quốc và Foxconn không muốn bỏ lỡ cơ hội này.
Tuy nhiên, một lý do cực kỳ quan trọng nữa là Foxconn muốn giảm sự phụ thuộc vào Apple.
Doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc đã suy giảm trước sự bành trướng của nhiều hàng điện thoại nội địa. Căng thẳng địa chính trị khiến Apple, một doanh nghiệp Mỹ, phải dịch chuyển dần nhà máy sang các nước khác và Foxconn đã nhận thấy rủi ro từ chiến lược này.
Bởi vậy tờ NYT cho rằng Foxconn đang muốn thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe điện hợp đồng cho những thương hiệu ô tô khác, tương tự như những gì họ đang làm với iPhone của Apple.
Cho đến hiện tại, Foxconn đã giành được hợp đồng sản xuất xe điện cho Luxgen, một thương hiệu ô tô tại Đài Loan. Ngoài ra công ty cũng hợp tác với Yulon Motor để ra mắt dòng xe Foxtron của riêng mình. Hãng cho biết đã bàn giao 5.400 chiếc xe cho Yulon từ đầu năm đến nay.
"Họ cần tìm một đường lùi khỏi sự phụ thuộc vào Apple, nghĩa là phải có một khách hàng lớn trong mảng xe điện mới này", Chủ tịch Kirk Yang của Kirkland Capital nhận định.
Khó khăn
Tuy nhiên, chiến lược của Foxconn không hề dễ dàng khi ngành xe điện Trung Quốc lẫn toàn cầu đang quá đông đúc, chưa kể đến những xung đột thương mại khiến mảng này trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
Trong vòng 5 năm qua, Foxconn đã phải đột ngột đình chỉ hợp tác với công ty khởi nghiệp xe điện Byton của Trung Quốc. Hai khách hàng của hãng tại Mỹ là các công ty khởi nghiệp Fisker và Lordstown cũng gặp những khó khăn tài chính nghiêm trọng.
Tháng trước, tập đoàn dầu khí Thái Lan PTT cho biết họ sẽ thu hẹp cổ phần trong liên doanh xe điện với Foxconn do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc và sự chậm lại của ngành công nghiệp xe điện toàn cầu.
Thậm chí chính CEO Liu gần đây đã lần đầu tiên thừa nhận rằng Foxconn sẽ không thể đạt được mục tiêu kiểm soát 5% thị trường toàn cầu vào năm tới.
Bất chấp điều đó, Foxconn vẫn tin tưởng vào mảng xe điện. Gần đây, hai hãng điện thoại nổi tiếng Trung Quốc là Huawei và Xiaomi, vốn vượt mặt Apple về doanh số bán hàng ở Trung Quốc, đã quyết định làm xe điện.
Động thái này không chỉ là cú tát với chính Apple khi để một hãng điện thoại Trung Quốc làm xe điện trước mà còn là minh chứng cho khả năng thành công của Foxconn trong việc gia công ô tô điện cho hãng khác.
Chỉ vài ngày sau khi Foxconn tuyên bố mở nhà máy xe điện ở Zhengzhou thì Xiaomi đã động thổ xây nhà máy ô tô điện thứ 2 của mình.
Ban lãnh đạo Foxconn tự tin tuyên bố những yếu tố khiến hãng sản xuất hợp đồng iPhone nhanh, rẻ hơn so với đối thủ sẽ được chuyển hóa sang mảng xe điện.
Foxconn và nhà sản xuất ô tô Đài Loan Yulon Motor đã bắt đầu cung cấp sản phẩm xe điện tại địa phương và doanh số rất khả quan. Liên doanh này cũng đã bắt đầu bán xe buýt điện và máy kéo điện.
Ngoài ra, Foxconn cũng có quan hệ đối tác chặt chẽ với Stellantis, nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới với các thương hiệu bao gồm Peugeot, Citroen, Jeep và Fiat.
Ảnh hưởng
Trong những năm gần đây, Foxconn đã liên tục thâu tóm các doanh nghiệp trong mảng bán dẫn và xe điện.
Năm 2021, công ty đã mua một nhà máy sản xuất chip từ Macronix International tại thành phố Hsinchu để phát triển chip Silicon Sarbide cho các giải pháp bán dẫn điện cho ô tô.
Cùng năm đó, công ty đã đầu tư vào DNEX, một cổ đông lớn của nhà sản xuất chip Malaysia SilTerra, với hy vọng tiếp cận được năng lực tại các cơ sở sản xuất chip của SilTerra.
Năm 2022, Foxconn công bố kế hoạch xây dựng nhà máy với DNEX tại Malaysia để sản xuất các loại chip ít tiên tiến hơn nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi. Trong vài năm qua, công ty đã mua lại một số nhà cung cấp chất bán dẫn như nhà xây dựng cơ sở Marketech International và Foxsemicon Integrated Technology, một nhà cung cấp chính cho Applied Materials.
Foxsemicon và Marketech đang tìm cách mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á vì khách hàng của họ hy vọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình ngoài Trung Quốc. Năm 2023, Foxconn đã mua lại nhà sản xuất linh kiện ô tô Đức Prettl SWH thông qua công ty con Foxconn Interconnect Technology để nâng cao năng lực của công ty này trong các giải pháp cảm biến, hệ thống khung gầm ô tô và hệ thống an ninh cho xe điện.
Thậm chí ngay cả khi không mua được Nissan thì điều này cũng không gây tổn hại nhiều cho Foxconn bởi hãng đang là nhà xây dựng máy chủ AI lớn nhất cho Nvidia.
Tập đoàn này đã tạo ra doanh thu kỷ lục 6,2 nghìn tỷ NTD, tương đương 190 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024 chủ yếu nhờ nhu cầu xây dựng máy chủ AI. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng 73,33% trong năm nay.
Công ty có khả năng sẽ tiếp tục hoạt động thâu tóm, kinh doanh xe điện bất kể có mua Nissan hay không, vì xe điện dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn nữa trong thời gian dài, bất chấp những trở ngại hiện tại.
"Mục tiêu của chúng tôi vẫn không thay đổi, nhưng khung thời gian năm 2025 sẽ bị hoãn lại", Liu nói với các nhà đầu tư vào tháng trước khi thừa nhận mục tiêu xe điện của Foxconn đang bị chậm so với kế hoạch.
*Nguồn: Nikkei, NYT
Lấy link