Thằn lằn có nhiều điều khiến những động vật khác phải ghen tị. Một số loài có thể leo tường, số khác cực giỏi ẩn mình, nhưng có lẽ thú vị nhất là khả năng rụng và mọc lại đuôi khi gặp nguy hiểm. Khả năng này của chúng rất nổi tiếng, nhưng có giới hạn nào về số lần thực hiện hay không? Tại sao đôi khi người ta bắt gặp thằn lằn có nhiều đuôi?
Thực tế, khi chiếc đuôi xương đầu tiên rụng đi, mọi chuyện không bao giờ còn giống như trước, nhưng điều đó không ngăn cản thằn lằn mọc thêm một, thậm chí nhiều chiếc đuôi, theo tiến sĩ Damian Lettoof tại Trường Khoa học Phân tử và Sinh học thuộc Đại học Curtin.
"Đuôi thằn lằn được thiết kế để tái tạo khi xương sống đuôi gãy dọc theo một mặt phẳng nhất định, kích hoạt một thanh sụn cứng mọc ra thay thế. Việc thanh sụn gãy ít có khả năng kích hoạt sự tái tạo hơn, dù có nhiều bằng chứng cho thấy điều này xảy ra với các đuôi tái tạo nhiều lần và những mầm đuôi phụ (ví dụ như trong trường hợp phân nhánh)", Lettoof nói.
"Cơ chế của quá trình trên chưa được nghiên cứu suốt một thời gian dài, nhưng có bằng chứng cho thấy khi màng glia lót tủy sống bị tổn thương, sự tái tạo sẽ được kích hoạt - dù điều này ít khả năng xảy ra hơn vì so với thanh sụn cứng, xương sống đuôi dễ gãy hơn nhiều khi thằn lằn cố gắng trốn khỏi kẻ săn mồi. Như vậy, nếu chiếc đuôi ban đầu vẫn còn dính lại một phần, các đuôi phụ vẫn có thể mọc thêm", ông giải thích.
Lettoof tổng kết, dù đa số thằn lằn có thể tái tạo đuôi nhiều lần tùy vào số đốt sống ban đầu còn lại, về mặt kỹ thuật, không có giới hạn về số lượng đuôi phụ có thể mọc ra từ chiếc đuôi hiện có, nếu điều kiện thích hợp.
Phân nhánh là một đặc điểm thú vị của đuôi thằn lằn. Thậm chí từng có báo cáo về một con thằn lằn mọc tới 9 đuôi, theo giáo sư sinh học Hinrich Kaiser từ Học viện Victor Valley.
Một nghiên cứu của Kaiser và Timothy Baum phát hiện sự phân nhánh ở 250 loài thằn lằn thuộc 25 họ. Phần lớn trong số đó là hai đuôi, nhưng 13% có số lượng đuôi nhiều hơn. Kaiser và Baum cho rằng hiện tượng nhiều đuôi ở thằn lằn không quá hiếm gặp hay bất thường, và các khoa học công dân có thể giúp hiểu rõ hơn về sự phân nhánh thông qua những quan sát của mình.
Thu Thảo (Theo IFL Science)