Hôm 15/12 công nghệ này được Công ty cổ phần Năng lượng xanh Asian đưa vào ứng dụng tại Nhà máy chuyển hóa rác thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thành năng lượng tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Nhà máy có công suất 150 tấn rác thải/ngày, với chi phí vận hành ước tính khoảng 150.000-250.000 đồng/tấn rác.
GS Huỳnh Văn Hòa, Chủ tịch Công ty Live Again Group, chủ nhiệm đề tài cho biết, công nghệ xử lý rác thải bằng công nghệ sinh hóa nhiệt không phát thải được ông và các cộng sự phát triển sau gần 30 năm nghiên cứu. Công nghệ này xử lý rác thải trong buồng gia nhiệt nhiều phần, tạo ra khí tổng hợp, than sinh học. Điểm đặc biệt của công nghệ là không phát khí thải, không phát sinh tro xỉ thải, không xả nước thải ra môi trường.
Quy trình xử lý rác thải của GS Hòa và cộng sự đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ từ năm 2020.
GS Hòa cho biết, của giai đoạn một của dự án thiết kế công trình với công suất xử lý 150 tấn CTR và chuyển hóa 70 tấn nhiên liệu thành khí đốt DME, nhiên liệu điện tử, dung môi Methanol. Phần hai giai đoạn một sẽ phát điện với công suất 2 MW/h, chuyển hóa carbon thành than hoạt tính, và thu hồi khí hydrogen từ rác.
"Với công nghệ này không cần phân loại rác tại nguồn và có thể tiếp nhận được hầu hết các loại chất thải như: rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế, chất thải chăn nuôi, chất thải con người, biomass thành năng lượng sạch và than sinh học", GS Hòa nói. Ông cho biết thêm, đầu ra của công nghệ có sản phẩm phụ thu gồm DME (chất khí không màu, sử dụng làm nhiên liệu), methanol, nhiên liệu điện tử efuel, than sinh học. Các thứ vô cơ loại ra: kim loại có thể tái chế, gạch đá, bê tông thủy tinh... cho nghiền mịn để sản xuất gạch chịu lửa.
Theo các chuyên gia, công nghệ sinh hóa nhiệt không phát thải mở ra triển vọng xử lý rác thải tại các vùng nông thôn và đô thị nhỏ, nhờ có thể tách riêng các modul của nhà máy để làm sạch rác, nghiền nhỏ, ép viên rồi vận chuyển về nhà máy chính để chuyển hóa thành nhiên liệu và than sinh học giúp không bị hạn chế về địa lý và quy mô xử lý. Có thể xử lý triệt để nguồn rác tại địa phương mà không đòi hỏi phải đầu tư nhà máy công suất lớn.
Bên cạnh đó công nghệ của nhà máy cũng không bị hạn chế cho ứng dụng trong ngành xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng. Suất đầu tư thấp hơn 30% so với công nghệ đốt rác phát điện hiện nay nhưng ưu thế hơn là: không khói thải (nhà máy không có ống khói), không tro xỉ thải, không nước thải và thời gian hoàn vốn giảm một nửa so với công nghệ đốt rác phát điện.
Nhóm nghiên cứu cho biết, tùy nhu cầu thực tế nguồn rác của các địa phương có thể tối ưu công suất xử lý 360 tấn/ngày đêm.
Nhật Minh