Mặc dù Đạo luật Khoa học và Chip, được thông qua vào năm 2022, đã kích hoạt sự bùng nổ trong ngành bán dẫn với các khoản trợ cấp lịch sử lên tới 39 tỷ USD cùng nhiều ưu đãi thuế, song tương lai của chương trình này đang trở nên bất định khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ trích đạo luật và cho rằng các khoản trợ cấp này là "quá tệ."
Đạo luật này, với mục tiêu chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng về lại Mỹ và làm chậm sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và quân sự, đã nhận được ủng hộ rộng rãi từ lưỡng đảng khi được thông qua.
Tuy nhiên, sự phản đối từ ông Trump về chương trình này, cùng với tốc độ chậm chạp phê duyệt các đơn xin trợ cấp, đang khiến các giám đốc điều hành công ty bán dẫn lo ngại rằng nhiều đề xuất có thể không được thông qua trước khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
TSMC và Samsung, những tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn, không chỉ đóng góp nguồn vốn lớn mà còn mang đến những kiến thức kỹ thuật quan trọng trong quá trình sản xuất chip phức tạp.
TSMC, nhà đúc chip lớn nhất thế giới, đã nhận được khoản tài trợ lên đến 6,6 tỷ USD cùng với khoản vay 5 tỷ USD từ chính phủ Mỹ để xây dựng 3 nhà máy ở Arizona.
Công ty này cam kết đầu tư 65 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất của mình, với dự án đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2025. Tuy nhiên, nhiều khoản tài trợ tạm thời vẫn chưa được ký kết đầy đủ, làm tăng rủi ro đối với doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài các khoản trợ cấp, Đạo luật Chips còn gây tranh cãi về các điều khoản như yêu cầu sử dụng lao động công đoàn và nguồn vật liệu sản xuất tại Mỹ - những yếu tố có thể sẽ làm gia tăng chi phí xây dựng và vận hành.
Các doanh nghiệp bán dẫn phàn nàn về quy trình phê duyệt phức tạp của Bộ Thương mại Mỹ, với các thủ tục hành chính và yêu cầu đánh giá tác động môi trường gây khó khăn cho các công ty.
Mặc dù vậy, nhiều giám đốc điều hành vẫn hy vọng rằng họ sẽ kịp hoàn tất các hợp đồng trước khi ông Trump nhậm chức. Một khi các hợp đồng này được ký kết, sẽ khó khăn hơn cho chính quyền mới để hủy bỏ chúng.
Sự trở lại của ông Trump cũng mang lại những rủi ro lớn đối với các công ty nước ngoài, khi Mỹ sẽ tập trung cải thiện năng suất lao động và tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn so với Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Ben Armstrong, Giám đốc Trung tâm Hiệu suất Công nghiệp của MIT, dù có tiềm năng, những lợi ích thực sự từ Đạo luật Chips có thể sẽ chỉ được thấy trong vài năm nữa.
Sự bất định này đang đe dọa một trong những thử nghiệm lớn nhất của chính sách công nghiệp Mỹ trong nhiều thập kỷ qua và có thể ảnh hưởng đến sự bùng nổ trong ngành bán dẫn mà nước này đang kỳ vọng.
Trong bối cảnh này, TSMC và Samsung sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong việc duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất bán dẫn tại Mỹ, khi chính trị và các chính sách thay đổi có thể tạo ra những rào cản không nhỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài.