Vừa mới đây chúng tôi đã có cơ hội được trải nghiệm phiên bản cao cấp của Mac mini sử dụng chip M4 Pro và đây là phiên bản chính hãng dành cho thị trường Việt Nam.
Đã từ rất lâu, Mac mini không nhận được thay đổi thiết kế đáng kể như nhiều sản phẩm khác của Apple, chính xác là từ tận năm 2010. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm qua, chúng ta đã thấy Apple mang đến thiết kế mới cho MacBook Air, MacBook Pro, Mac Studio, iMac. Bây giờ, cuối cùng cũng đến lượt Mac mini và thời gian chờ đợi đã được đền đáp bằng một cỗ máy bé nhỏ nhưng cực kỳ mạnh mẽ.
Phiên bản này có giá từ 34.999.000 VND, nhưng cũng phải nhắc đến bản tiêu chuẩn với chip M4 có giá chỉ từ 14.999.000 VND. Một mức giá khá mềm và giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận hệ sinh thái của Apple với thế hệ chip xử lý mới nhất. Nếu cần sức mạnh hơn nữa thì Apple có tùy chọn nâng cấp cấu hình M4 Pro lên đến CPU 14 lõi và GPU 20 lõi, bộ nhớ hợp nhất lên đến 64GB.
Đây là dòng máy Mac đầu tiên từ Apple đáp ứng được tiêu chuẩn trung hòa carbon, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường của hãng.
Máy được làm từ trên 50% nguyên liệu tái chế, bao gồm cả nhôm tái chế 100% cho vỏ máy, vàng tái chế 100% được sử dụng cho việc mạ trên tất cả các bo mạch do Apple thiết kế, cũng như nguyên tố đất hiếm tái chế 100% dùng trong tất cả các loại nam châm.
Nguồn điện dùng để sản xuất Mac mini cũng hoàn toàn từ năng lượng tái tạo. Apple đã ưu tiên sử dụng tàu biển để vận chuyển sản phẩm này nhằm cắt giảm lượng carbon phát thải.
Theo cảm nhận của tôi thì máy trông rất đẹp, nhỏ gọn hơn thế hệ trước, nhưng có phần cao hơn. Thông số chính xác mà Apple đưa ra là dài 12,7cm, rộng 12,7cm và cao 5cm. Để so sánh, Mac mini M2 dài 19,7cm, rộng 19,7cm và cao 3,58cm.
Và một vài so sánh vui vẻ nữa: Mac mini mới còn nhỏ hơn cả cái khăn lau mà Apple kèm theo trong hộp MacBook Pro 16 bản nano-texture năm nay.
Ở mặt trước, chúng ta có 2 cổng USB-C, đèn báo trạng thái và cổng headphone 3,5mm. Mặt sau là nơi chứa các cổng cần thiết, bao gồm cổng nguồn, cổng Ethernet để cắm dây LAN (có thể nâng cấp lên 10Gb), cổng HDMI và 3 cổng USB-C Thunderbolt 5 cho tốc độ truyền tải lên đến 120GB/s (phiên bản M4 là Thunderbolt 4). Hai cạnh hoàn toàn không có cổng kết nối nào. Mặt trên cùng chỉ đơn giản là logo Apple.
Nói qua một chút về vị trí nút nguồn, theo hai giám đốc cấp cao của Apple, Greg Joswiak và John Ternus, quyết định di chuyển nút nguồn xuống mặt đáy xuất phát từ việc thiết kế Mac mini M4 có kích thước nhỏ gọn hơn rất nhiều so với các thế hệ trước và nút nguồn không phải là thứ được sử dụng thường xuyên với người dùng Mac.
Đương nhiên, bạn cũng phải cần bàn phím và chuột để sử dụng cùng Mac mini, những sản phẩm của Apple hỗ trợ rất tốt cho nhau, ví dụ bàn phím Magic Keyboard có tích hợp Touch ID tiện dụng.
Tôi đã thử đưa một ngón tay xuống dưới để xem có chạm được nút nguồn không, nhờ máy rất nhẹ nên chạm được, nhưng vẫn phải nhấc máy lên một chút; hoặc có thể dùng 2 ngón tay, 1 ngón để nâng và 1 ngón để nhấn.
Dù sao khi hoàn tất lần đầu thì gần như tôi cần phải chạm vào nút nguồn này nữa, bởi là người dùng Mac, chẳng mấy ai đi Shutdown hay Restart máy cả, trừ những lúc cần update MacOS thôi. Thôi thì nằm ở mặt dưới cũng đỡ bị bụi bẩn rơi vào…
Nếu bạn là người sử dụng đa màn hình thì Mac mini M4 cũng đáp ứng được nhu cầu đó. Dù là phiên bản M4 hay M4 Pro thì cũng đều hỗ trợ lên đến 3 màn hình ngoài, giúp công việc trở nên dễ dàng hơn. Phiên bản M2 thế hệ trước chỉ hỗ trợ 2 màn hình.
Tuy nhiên khi dùng nhiều màn hình thì các cổng kết nối cũng sẽ bị chiếm dụng và Mac mini cũng không có khe đọc thẻ SD, do đó có lẽ bạn cũng nên cân nhắc sử dụng thêm một adapter để mở rộng các cổng kết nối.
Và nếu có một màn hình di động, bạn thậm chí có thể đem Mac mini M4 theo các chuyến công tác trong trường hợp không có MacBook. Không khó để tìm thấy một màn hình di động dưới 1kg, kết hợp cả hai kèm bàn phím Magic Keyboard và chuột Magic Mouse, tất cả có thể chỉ nặng khoảng 2kg, vẫn khá nhẹ nhàng để mang theo.
Với sức mạnh của M4 Pro, tôi không gặp phải bất cứ hiện tượng giật lag nào cả và tôi tin rằng ngay cả phiên bản tiêu chuẩn M4 cũng sẽ xử lý mọi tác vụ thường nhật một cách dễ dàng.
Nhân tiện, ngoài so sánh với Mac Studio ở trên, tôi cũng chạy một vài phần mềm benchmark để thấy sơ bộ sức mạnh của Mac mini M4 Pro, bạn có thể tham khảo bên dưới. Trong đó đáng chú ý là OpenCL, GPU 16 lõi của M4 Pro đạt 60.772 điểm, cải thiện 20% so với điểm số 50.373 của M3 Pro bản 18 lõi GPU.
Nhìn chung, trải nghiệm nhanh Mac mini M4 Pro cho thấy đây là một cỗ máy siêu nhỏ gọn, siêu nhẹ nhàng nhưng mang trong mình sức mạnh thật sự to lớn. Tôi sẽ có những bài thử nghiệm chi tiết hơn hiệu năng làm việc của máy và cả chơi game nữa, hẹn gặp lại ở các bài sau.
Bên cạnh đó, tôi cũng đang trải nghiệm một sản phẩm đáng chú ý nữa của Apple là MacBook Pro 16 inch với chip M4 Pro và màn hình nano texture, mời quý độc giả đón xem.
Tham khảo giá Mac mini M4/M4 Pro tại đây:
-
-
-
-
-
-
Lấy link