Cá voi răng thuổng (Mesoplodon traversii) thuộc họ Cá voi mõm khoằm (Ziphiidae) và được coi là loài cá voi hiếm nhất thế giới, đến nay mới chỉ tìm thấy 7 mẫu vật và chưa ai từng bắt gặp cá thể sống. Do đó, con cá voi chết dạt vào bờ biển đảo Nam, New Zealand, hồi tháng 7 mang đến cơ hội quý giá để nghiên cứu loài vật biển sâu bí ẩn này.
Xác cá voi dài 5 m được bảo quản trong một tủ đông đặc biệt từ đó đến nay. Chuyên gia về cá voi, Anton van Helden, cho biết, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể giải phẫu mẫu vật cá voi răng thuổng hoàn chỉnh. "Đây là một cơ hội đáng chú ý và có ý nghĩa trên toàn thế giới", ông nói.
Quá trình mổ xác kéo dài một tuần sẽ giúp tìm hiểu những bí ẩn về hành vi, chế độ ăn uống, thậm chí cấu trúc giải phẫu cơ bản của loài cá voi này. "Chúng ta sẽ có thể quan sát các cấu trúc được sử dụng để tạo ra âm thanh, cấu trúc dạ dày - mỗi loài cá voi mõm khoằm lại có dạ dày khác nhau - thậm chí xác nhận xem cá voi răng thuổng có bao nhiêu đốt sống", Van Helden giải thích.
"Cá voi mõm khoằm là nhóm động vật có vú lớn bí ẩn nhất hành tinh. Chúng là những 'thợ lặn sâu' mà người ta hiếm khi nhìn thấy ngoài biển, khiến việc nghiên cứu chúng thực sự là một thách thức. Mẫu vật cá voi này hiếm nhất trong số những mẫu vật hiếm. Nó là mẫu vật thứ 7 được ghi nhận trên toàn thế giới và là cơ hội đầu tiên mà chúng tôi có để tiến hành giải phẫu như thế này", Van Helden cho biết.
Cá voi răng thuổng được mô tả khoa học lần đầu tiên vào năm 1874 dựa vào xương hàm dưới và hai chiếc răng thu thập tại Quần đảo Chatham, ngoài khơi bờ đông New Zealand. Mẫu vật này cùng với xương của hai mẫu vật khác ở New Zealand và Chile đã giúp giới khoa học xác nhận đây là một loài mới.
Theo Van Helden, thông tin thu được từ cuộc giải phẫu cũng có thể giúp họ hiểu thêm về những mối đe dọa từ con người mà cá voi phải đối mặt trong môi trường sống của chúng và cách xử lý.
Thu Thảo (Theo AFP)