Ở độ sâu 2.896 km bên dưới lớp vỏ Trái Đất, bằng một nửa quãng đường tới tâm hành tinh, hai khối đá khổng lồ nằm ở hai phía trái ngược. Một khối nằm bên dưới châu Phi trong khi khối còn lại nằm bên dưới Thái Bình Dương. Các khối đá này có tên khoa học là khối nhiệt hóa học hay các tỉnh lớn có khối lượng trượt thấp (LLSVP), khu vực lớn cỡ lục địa khác biệt với lớp phủ của Trái Đất ở xung quanh, theo IFL Science.
Ảnh quét cấu trúc bên trong Trái Đất cho thấy khối LLSVP nằm ở đó, nhưng giới nghiên cứu hầu như không biết gì về chúng, bởi không thể đưa nhà khoa học hay thiết bị thăm dò tới lớp phủ Trái Đất. Tuy nhiên, một giả thuyết đặc biệt thú vị về hiện tượng bí ẩn này cho rằng chúng là dấu tích từ quá trình hình thành Trái Đất cách đây 4,5 tỷ năm. Nếu đúng như vậy, chúng có thể cung cấp cực nhiều thông tin về cơ chế bên trong của Trái Đất cũng như lịch sử phức tạp của nó.
"Nguồn gốc và thành phần cấu tạo của khối LLSVP chưa được làm rõ. Chúng tôi nghi ngờ chúng nắm giữ manh mối quan trọng về cách Trái Đất hình thành và hoạt động ngày nay", Edward Garnero, chuyên gia về cấu trúc bên trong hành tinh ở Đại học Arizona, cho biết.
Garnero cùng với các nhà địa chất học khác tại ASU từng công bố nghiên cứu về khối khổng lồ ở lớp phủ năm 2016, sử dụng kết hợp dữ liệu địa chấn, địa hóa học và vật lý khoáng sản. Dù họ không giải thích nguồn gốc và thành phần của LLSVP, bài báo hé lộ vai trò của chúng trong các lực địa chất mạnh mẽ mà chúng ta thấy trên mặt đất như phun trào núi lửa, sự dịch chuyển mảng kiến tạo và động đất.
Nhiều núi lửa nằm dọc rìa của mảng kiến tạo, nhô lên từ độ sâu lớn trong lòng đất khi các ranh giới đâm vào nhau. Một số hình thành bởi chùm manti, cột đá nóng nhô lên từ bên trong lớp phủ. Khi chúng vươn tới vỏ ngoài cứng của Trái Đất, magma nguội đi và xuyên qua bề mặt, tạo ra núi lửa.
Các nhà khoa học suy đoán khả năng khối khổng lồ ở lớp phủ bên dưới châu Phi và Ấn Độ Dương sẽ xuyên qua lớp vỏ và tạo ra siêu núi lửa với khả năng phun trào suốt hàng triệu năm.
An Khang (Theo IFL Science)