Nếu xem xét đường bay của máy bay di chuyển quanh thế giới, dễ thấy chúng không bay theo đường thẳng tới đích và rất ít bay qua Tây Tạng. Địa hình Tây Tạng bao gồm nhiều ngọn núi và cao nguyên ở độ cao lớn. Điều này dường như không phải vấn đề đối với máy bay, phương tiện có thể bay cao hơn các dãy núi, nhưng đây chính là lý do máy bay thường tránh bay qua khu vực, theo IFL Science.
Một vấn đề khi bay qua Tây Tạng là những dãy núi dẫn tới nhiều nhiễu động. Nhiễu động là sự rối loạn trong không khí, tương tự chuyển động của sóng và dòng hải lưu ở biển. Nếu không có chướng ngại vật trên đường cơn sóng lao tới, nó sẽ chảy qua thuận lợi. Nhưng nếu va phải đê chắn sóng, nó sẽ vỡ ra, theo Darren Ansell, trưởng khoa Kỹ thuật vũ trụ và hàng không ở Đại học Central Lancashire.
"Khi không khí tràn qua công trình nhân tạo và địa hình tự nhiên như núi non, dòng khí bị gián đoạn, khiến không khí ở bên trên và xung quanh nó trở nên hỗn loạn. Nếu cất cánh hoặc hạ cánh từ sân bay gần dãy núi hoặc vùng đồi, nhiều khả năng bạn sẽ trải qua loại nhiễu động này trong suốt quá trình cất cánh và không lâu sau đó", Ansell giải thích.
Dù có thể bay qua Tây Tạng, những dãy núi có thể khiến chuyến bay xóc nảy. Một vấn đề khác là sự an toàn. Máy bay bay cao hơn độ cao trung bình 5.000 m trong khu vực. Nhưng nếu cabin giảm áp trong trường hợp hiếm gặp, phi công cần hạ thấp xuống độ cao 3.000 m (nơi không khí dễ hít thở), trước khi tìm cách hạ cánh ở sân bay gần đấy. Điều này trở thành vấn đề ở Tây Tạng khi việc hạ thấp xuống độ cao đó sẽ khiến họ dễ đâm xuống dãy núi. Do thiếu khu vực để tiến hành hạ cánh khẩn cấp, các máy bay không phải hạ cánh ở sân bay trong vùng sẽ tránh bay qua Tây Tạng.
An Khang (Theo IFL Science)