Trái Đất bắt đầu kéo tiểu hành tinh 2024 PT5 lại vào ngày 29/9/2024. Kể từ đó, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu "mặt trăng thứ hai" này, trong đó có Carlos de la Fuente Marcos tại Đại học Complutense de Madrid. Họ biết rằng nó sẽ bị giữ lại không quá vài tuần.
Dự đoán này trở thành hiện thực hôm 25/11, khi 2024 PT5 rời khỏi Trái Đất để trở về nơi cư trú quen thuộc trong vành đai tiểu hành tinh Arjuna. Vành đai tiểu hành tinh này quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo gần với Trái Đất, cách Mặt Trời trung bình khoảng 150 triệu km.
Với chiều rộng chỉ 11 m, phần lớn người quan sát bầu trời không thể nhìn rõ 2024 PT5. Marcos cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu nó với kính viễn vọng wo-Meter Twin tại Santa Cruz de Tenerife, Tây Ban Nha, do Viện Vật lý Thiên văn Canarias (IAC) vận hành. Điều này giúp họ phát hiện nhiều yếu tố về tiểu hành tinh. Ví dụ, dựa vào thành phần cấu tạo, nó có thể là một mảnh của Mặt Trăng bị vỡ ra do va chạm với tiểu hành tinh.
"Bức ảnh 'tạm biệt, hẹn gặp lại' của 2024 PT5 được tiến sĩ Miquel Serra-Ricart, một thành viên trong nhóm chúng tôi, chụp hôm 25/11", Marcos cho biết.
2024 PT5 sẽ không xa Trái Đất lâu. Theo dữ liệu của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, tiểu hành tinh này sẽ quay lại vào ngày 9/1/2025. Khi đó, nó thậm chí còn đến gần Trái Đất hơn, chỉ cách 1,8 triệu km. Tuy nhiên, với tốc độ khoảng 3.700 km/h, nó quá nhanh để bị lực hấp dẫn Trái Đất giữ lại lần nữa. Chuyến trở lại tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2055.
"Gần như chắc chắn rằng 2024 PT5 sẽ quay lại vào năm 2055. Theo dữ liệu mới nhất, nó sẽ có năng lượng địa tâm tổng âm (cần thiết để sự bắt giữ hấp dẫn xảy ra) từ cuối ngày 6/10 đến đầu ngày 14/10/2055. Tuy nhiên, vào thời điểm này, nó vẫn ở cách Trái Đất 5,3 triệu km. Do đó, nó sẽ không trở thành vệ tinh tạm thời của Trái Đất", Marcos giải thích.
Thu Thảo (Theo Space)