Bước vào một ngôi nhà bỏ hoang ở nơi không bóng người, điều đầu tiên bạn cảm thấy là cảm giác sởn da gà, gai lạnh, thậm chí chân run lẩy bẩy. Nếu biết rằng đó là ngôi nhà bị ma ám, ắt hẳn, bạn sẽ còn cảm thấy lo âu hơn nữa, vì không biết mình sẽ "chạm trán" thế lực siêu nhiên bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên theo các nhà khoa học, cảm giác mà chúng ta có khi đến thăm một ngôi nhà ma có thể mang lại những hiệu ứng tích cực cho cơ thể. Một nghiên cứu được Đại học Aarhus, Đan Mạch, thực hiện với sự tham gia của 22 người đã chứng minh điều này.
Được biết, tất cả những người tham gia đều trong tình trạng nhiễm trùng máu mức độ thấp. Họ được chuyên gia đưa đến thăm quan một ngôi nhà ma trong 50 phút. Trong thời gian đó, họ phải đối mặt với những người hóa trang thành chú hề sát nhân, thây ma, kẻ sát nhân hàng loạt cầm cưa máy, đeo mặt nạ…
Trong suốt 50 phút trải nghiệm ngôi nhà ma, những người tham gia báo cáo mức độ sợ hãi trung bình là 5,4, trên thang điểm từ 1 đến 9. Nhịp tim của họ đạt trung bình khoảng 112 nhịp/phút trong suốt trải nghiệm.
Ba ngày sau, các nhà nghiên cứu phát hiện mức độ nhiễm trùng máu của hơn 80% thành viên đã thuyên giảm. Đáng chú ý, ở gần một nửa số người tham gia, mức độ nhiễm trùng đã chấm dứt hoàn toàn.
Một nghiên cứu khác đã được thực hiện với cùng ngôi nhà ma, nhưng bao gồm 91 tình nguyện viên trong điều kiện sức khỏe hoàn toàn bình thường. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những thay đổi về hệ thống miễn dịch của các ứng viên.
Họ cho rằng, khi bước vào một ngôi nhà ma và bị hù dọa, lượng adrenaline và endorphin ở mỗi chúng ta sẽ tăng vọt. Cơ thể lúc này sẽ trải qua cảm giác hưng phấn giống như khi chạy bộ, đi tàu lượn siêu tốc, hay xem phim kinh dị.
Cùng lúc đó, cơ thể sẽ sản sinh một số tế bào miễn dịch trong máu, như tế bào lympho giúp tiêu diệt tế bào khối u; tế bào đơn nhân giúp tìm và tiêu diệt vi khuẩn; và hai loại tế bào bạch cầu, được gọi là bạch cầu ái toan và bạch cầu ái kiềm.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, khi nỗi sợ hãi được khơi dậy (để giải trí), nó có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch bằng cách cân bằng lại mức độ tế bào miễn dịch và các dấu hiệu viêm nhiễm trong máu.
Mặc dù sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về tác động này, nhưng các nghiên cứu trên chuột đã sớm cho thấy nỗi sợ hãi và căng thẳng cấp tính có thể kích thích tuyến thượng thận, từ đó kích hoạt các thụ thể adrenergic trên tế bào miễn dịch.
Hệ thống adrenergic này thúc đẩy phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy. Ở chuột, hệ thống này dường như huy động hệ thống miễn dịch của động vật nhằm ứng phó với chấn thương hoặc các mối đe dọa nhiễm trùng tiềm ẩn.
Ở người, hệ thống adrenergic đã được chứng minh là có thể được kích hoạt thông qua tiếp xúc với môi trường lạnh, và các nghiên cứu đã liên kết những trải nghiệm lạnh giá này với các dấu hiệu chống viêm.
Theo
www.sciencealert.com