Chúng ta thường quan niệm rằng kích thước bộ não (so với cơ thể) tỷ lệ thuận với trí khôn, hay mức độ thông minh của một giống loài. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, những chú chó có bộ não lớn hơn so với cơ thể chưa chắc đã thông minh hơn.
TS Ana Balcarcel, nhà sinh học tiến hóa tại Viện Khoa học Tiến hóa Montpellier, Pháp, cho biết: "Ở các giống loài khác, kích thước não cho biết khả năng nhận thức cao hơn. Nhưng ở đây, chúng ta thấy điều ngược lại".
Nghiên cứu đã so sánh tỷ lệ kích thước não của chó với kích thước cơ thể bằng cách đo 1.682 hộp sọ của chó trưởng thành thuộc 172 giống chó khác nhau. Dữ liệu được ghi chép tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bern, Thụy Sĩ.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã tính toán "thể tích nội sọ tương đối" của chó, hay hiểu đơn giản là kích thước não của chúng so với kích thước cơ thể.
Kết quả cho thấy, các giống chó thông minh, như chó Husky Siberia (Husky Sibir), vốn dĩ được nuôi để thực hiện các kỹ năng phức tạp để hỗ trợ con người, có bộ não nhỏ nhất so với kích thước cơ thể.
Trong khi đó, các giống chó được liệt vào hạng mục "bạn đồng hành", như chó Chihuahua, vốn được nuôi chủ yếu để làm thú cưng, có kích thước não tương đối lớn nhất.
TS Balcarcel cũng cho biết các nghiên cứu trước đây đa số chỉ ra rằng, kích thước não lớn sẽ tương quan với tuổi thọ và tỷ lệ sống sót, khi ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định và khả năng xử lý thông tin ở mức độ cao.
Nếu xét trên góc độ này, những phát hiện của nghiên cứu đã thực sự chỉ ra một nghịch lý trong tự nhiên.
"Điểm khác biệt chính ở đây là chó không sống trong môi trường tự nhiên", TS Balcarcel lý giải. "Bởi lẽ đó, chúng tiến hóa theo một quá trình chọn lọc có định hướng dưới bàn tay con người".
Nghiên cứu hình dạng não ở chó cũng mang đến nhiều điểm bất ngờ về quá trình tiến hóa của chúng.
Theo đó, não của chó thuần hóa nhỏ hơn khoảng 20% so với não của chó sói xám hoang dã (Canis lupus) so với kích thước cơ thể. Nhưng so với chó sói xám hoang dã, chó thuần hóa chuyên biệt hơn về các kỹ năng xã hội phức tạp hợp tác với con người. Thí dụ, chúng có thể dõi theo ánh mắt của con người và diễn giải cử chỉ tay một cách dễ dàng.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các giống chó có kích thước não tương đối lớn - chủ yếu là các giống chó cảnh như Chihuahua, chó phốc sóc (Pomeranian) hay chó sục Yorkshire (Yorkshire Terrier) - có xu hướng biểu hiện mức độ sợ hãi, hung dữ, lo lắng khi xa cách và hành vi tìm kiếm sự chú ý cao hơn.
Những giống chó này được nuôi chủ yếu để làm bạn đồng hành với con người, tạo ra những đặc điểm tình cảm và sự chú ý thuận lợi cho việc nhân giống và truyền lại thông qua quá trình chọn lọc nhân tạo.
Dẫu vậy, TS Balcarcel cũng lưu ý những người nuôi chó rằng, những chú chó nhà đã được lai tạo qua hàng thế kỉ để mang đến những khả năng nhận thức khác nhau.
Vì vậy, ngay cả khi chú chó mà bạn nuôi là giống nào, với đặc điểm não bộ ra sao, thì chúng vẫn chuyên biệt theo cách riêng của chúng.
Theo
www.livescience.com