Vệ tinh Shijian-19 phóng lên bằng tên lửa Trường Chinh 2D từ Tửu Tuyền ngày 27/9 và hạ cánh tại bãi đáp Đông Phong ở sa mạc Gobi ngày 10/10. Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST), đơn vị phát triển các module cho trạm vũ trụ Thiên Cung, đã sản xuất cả Shijian-19 lẫn khoang tàu thử nghiệm.
Khoang tàu mới là một cấu trúc kín đa chức năng làm từ các vật liệu composite linh hoạt. Thử nghiệm được CAST đánh giá là hoàn toàn thành công.
Khoang tàu ở trạng thái nén, gấp gọn, trong quá trình phóng và phồng lên khi tới quỹ đạo. Thiết kế này mang lại nhiều lợi ích như trọng lượng nhẹ và hiệu suất gấp cao. Do đó, đây là thiết kế đầy hứa hẹn cho việc xây dựng các module kín quy mô lớn, đại diện cho một hướng đi mới và quan trọng trong công nghệ module kín.
CAST đã sử dụng chuyên môn về thiết kế hệ thống, cấu trúc, cơ chế, kiểm soát nhiệt và môi trường vũ trụ để đạt được thành tựu này. Họ cũng đã tiến hành các thử nghiệm trên mặt đất như kiểm tra độ kín khí, khả năng va chạm với rác vũ trụ, chịu áp suất cực đại, chấn động và trải qua các bài kiểm tra chân không nhiệt.
Trước đây, Trung Quốc từng thể hiện sự quan tâm đến các module có thể mở rộng hoặc bơm phồng, nhưng thông báo hôm 21/11 có vẻ là lần đầu tiên nước này hé lộ phần cứng liên quan. Trung Quốc cũng đã tiết lộ kế hoạch mở rộng trạm vũ trụ Thiên Cung, bắt đầu với một module đa chức năng để cho phép các module mới ghép nối với trạm. Dù hình ảnh mô phỏng của kế hoạch cho thấy các module cứng mới cũng tương tự những module hiện nay trên quỹ đạo, một module bơm phồng có thể đóng vai trò trong việc mở rộng này.
Một số công ty như Lockheed Martin (Mỹ) và Sierra Space (Mỹ) cũng đang thử nghiệm công nghệ tàu bơm phồng, có thể triển khai cho những trạm vũ trụ thương mại quỹ đạo thấp phóng lên sau khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) dừng hoạt động.
Trung Quốc có trạm Thiên Cung để thực hiện thí nghiệm vi trọng lực và thí nghiệm không gian khác, nhưng khả năng đưa hàng hóa trở về Trái Đất của trạm còn hạn chế. Phần có thể trở về Trái Đất của Shijian-19 chở được 500 - 600 kg hàng hóa, giúp tăng cường lựa chọn cho các thí nghiệm vi trọng lực.
Thử nghiệm thành công của khoang tàu bơm phồng mới giúp lấp đầy một khoảng trống công nghệ của Trung Quốc, có thể mở đường cho những ứng dụng tương lai giúp khám phá không gian sâu và môi trường sống trên quỹ đạo.
Thu Thảo (Theo Spacenews)