Nhiều loài sán dây đạt kích thước ấn tượng, nhưng chiều dài 40 m của T. calyptocephalus giúp chúng trở thành loài ký sinh trùng dài nhất hành tinh, theo IFL Science. Những loài sán phổ biến nhất tác động tới con người thường nằm trong mô của lợn, bò, cá hồi. Ở người, loài sán dài nhất không thể sánh với kích thước của T. calyptocephalus, nhưng một số loài vẫn sở hữu chiều dài ấn tượng.
Một ví dụ nổi bật nằm ở Bảo tàng ký sinh trùng Meguro tại Tokyo, nơi đang trưng bày mẫu vật sán dây cá (Dibothriocephalus nihonkaiensis) dài 8,8 m. Đây là mẫu vật hiếm hoi của loài sán khổng lồ được lấy nguyên vẹn từ ruột người. Tuy nhiên, chúng có thể phát triển lớn hơn nhiều. Theo một bài báo năm 2009, sán dây cá có thể dài 2 - 15 m. Kích thước tối đa từng được ghi nhận ở loài này là 25 m.
Giới nghiên cứu cho biết sán dây đã ký sinh trong ruột trong ít nhất 99 triệu năm từ hóa thạch hổ phách độc đáo được mô tả vào tháng 3/2024. Đó là lần đầu tiên con người tìm thấy một phần cơ thể của chúng ở dạng hóa thạch. Trước đây, tất cả những gì được thu thập là trứng sán từ phân cá mập kỷ Permi.
"Dữ liệu hóa thạch của sán dây cực kỳ khan hiếm do chúng có mô mềm và môi trường sống trong cơ thể", Bo Wang, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Viện địa chất và cổ sinh vật học Nam Kinh, cho biết. "Điều ấy hạn chế hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa ban đầu của chúng".
Sán dây là loài ký sinh trùng cực kỳ thành công khi lây nhiễm mọi vật từ chim tới gấu. Tuy nhiên, xét theo chiều dài, khó có loài nào vượt qua sán dây. Chúng không sở hữu kích thước to lớn ngay từ đầu. Đầu sán T. calyptocephalus bám cố định vào ruột cá voi, sau đó chúng dài dần nhờ những đốt mới xuất hiện. Cá thể lớn nhất có tới 45.000 đốt với đầy đủ tinh hoàn và buồng trứng.
An Khang (Theo IFL Science)