Kho báu hydro ẩn sâu 1.500 m dưới khe nứt tỷ năm tuổi

Đới tách giãn Midcontinent ở Bắc Mỹ có khả năng trở thành nguồn sản xuất hydro tự nhiên khổng lồ, đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch của thế giới.


Cách đây khoảng 1,1 tỷ năm, lục địa Bắc Mỹ gần như tách đôi, để lại một dải đá núi lửa dài 1.900 km gọi là đới tách giãn Midcontinent. Nhóm nhà khoa học từ Đại học Nebraska - Lincoln đang nghiên cứu khe nứt này - chạy dài từ dưới hồ Superior qua một số khu vực thuộc Minnesota, Michigan, Wisconsin, Iowa, Nebraska, Kansas - để xác định cách tốt nhất giúp tiếp cận lượng hydro khổng lồ bên dưới, SciTechDaily hôm 15/11 đưa tin.


Hydro có thể là yếu tố quan trọng trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Hydro không thải carbon và cũng khác với dầu khí, vốn có thể mất hàng triệu năm để hình thành từ trầm tích hữu cơ. Thay vào đó, hydro liên tục tái tạo dưới lòng đất khi nước tương tác với đá núi lửa.


Để thử nghiệm khả năng sản xuất hydro trong khe nứt, các nhà khoa học đã khoan giếng thử nghiệm ở Nebraska 5 năm trước. Đến nay, dữ liệu thu được rất hứa hẹn. Họ tin rằng có thể điều kiện địa chất và sinh địa hóa trong vết nứt đã hạn chế sự thất thoát hydro, giúp giữ lại hydro ở quy mô kinh tế.


"Nơi này có thể đủ sâu để lưu trữ nhưng vẫn đủ nông để chúng ta tiếp cận. Địa chất đang ủng hộ chúng ta", Karrie Weber, giáo sư khoa học khí quyển, sinh học và Trái Đất, cho biết.


Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính, có từ hàng chục triệu đến hàng chục tỷ megaton (1 megaton bằng 1 triệu tấn) hydro trong vỏ Trái Đất. Nhưng con người sẽ không thể tiếp cận phần lớn trong số đó vì quá sâu hoặc quá xa bờ, hoặc tập trung với số lượng quá nhỏ để khai thác. Vì vậy, những địa điểm như đới tách giãn Midcontinent rất quan trọng. Một số khe nứt dưới lòng đất khác trên thế giới, ví dụ như tại Pháp, Đức, Nga, châu Phi, cũng có thể là nguồn sản xuất hydro.


Nhóm nghiên cứu ở Nebraska sẽ tìm hiểu một số câu hỏi xung quanh dòng chảy và quá trình thấm của hydro từ dưới lòng đất lên bề mặt, khả năng lưu trữ hydro tự nhiên hoặc trong các hệ thống lưu trữ được thiết kế, cách hydro phản ứng với các chất lỏng và khoáng vật đá dưới lòng đất, tốc độ và lượng hydro bị vi sinh vật tiêu thụ, theo giáo sư kỹ thuật dân dụng Seunghee Kim. Họ hiện đã được cấp khoản tài trợ 1 triệu USD cho 5 năm thông qua sáng kiến Nghiên cứu tiên tiến bằng Kỹ thuật và Khoa học Liên ngành (RAISE) của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.


Thu Thảo (Theo SciTechDaily)









Kho bau hydro an sau 1.500 m duoi khe nut ty nam tuoi


Doi tach gian Midcontinent o Bac My co kha nang tro thanh nguon san xuat hydro tu nhien khong lo, dap ung nhu cau nang luong sach cua the gioi.

Kho báu hydro ẩn sâu 1.500 m dưới khe nứt tỷ năm tuổi

Đới tách giãn Midcontinent ở Bắc Mỹ có khả năng trở thành nguồn sản xuất hydro tự nhiên khổng lồ, đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch của thế giới.
Kho báu hydro ẩn sâu 1.500 m dưới khe nứt tỷ năm tuổi
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: