Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu chung là tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đề ra tại nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh Lạng Sơn; đồng thời từng bước xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; duy trì chỉ số DTI nằm trong top 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.
Về mục tiêu cụ thể, Lạng Sơn phấn đấu 100% hồ sơ công việc các cấp được xử lý trực tuyến và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi mật).
Triển khai hệ thống thông tin báo cáo đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống dùng chung của tỉnh và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Nâng tỷ lệ tái sử dụng hồ sơ thủ tục hành chính đã được số hóa đạt 50%. Phấn đấu tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7%. Triển khai cung cấp 100% hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
100% các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh được truyền thông số trên mạng xã hội. Phấn đấu tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 76%. Duy trì tỷ lệ 100% các phương tiện vận tải, doanh nghiệp, thương nhân xuất, nhập khẩu hàng hóa được cung cấp dịch vụ số trên một Nền tảng cửa khẩu số.
100% máy chủ, thiết bị hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được giám sát, đảm bảo an toàn thông tin, kết nối với Trung tâm giám sát an toàn thông tin quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành.
100% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.
Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch của UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề ra 4 giải pháp thực hiện, bao gồm: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin.
UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này. Định kỳ trước ngày 30 của tháng cuối quý, Sở báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn kết quả thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các hình thức phù hợp khác để các cấp, các ngành, đông đảo người dân và doanh nghiệp hiểu và tham gia thực hiện.
Phạm Công