Mặt Trăng đầy những hố va chạm do sự bắn phá liên tục của tiểu hành tinh và sao chổi trong hàng tỷ năm. Lưu vực South Pole-Aitken (SPA) là địa điểm va chạm lớn và lâu đời nhất được biết đến trên Mặt Trăng, trải dài gần 2.000 km ở phía xa của Mặt Trăng.
Các nhà khoa học tại Đại học Manchester, đã phân tích thiên thạch Mặt Trăng Northwest Africa 2995, được tìm thấy ở Algeria năm 2005. Thiên thạch này chứa uranium và chì có niên đại từ thời kỳ này. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Astronomy hôm 16/10.
Niên đại được đề xuất của lưu vực SPA lớn hơn dự kiến khoảng 120 triệu năm. Tiến sĩ Joshua Snape, nghiên cứu viên tại Đại học Manchester, cho biết: "Trong nhiều thập kỷ, người ta đồng ý rằng thời kỳ bắn phá dữ dội nhất tập trung vào khoảng 4,2-3,8 tỷ năm trước. Tuy nhiên, việc xác định niên đại của lưu vực South Pole-Aitken sớm hơn 120 triệu năm làm suy yếu lập luận này. Điều này cho thấy một quá trình va chạm dần dần hơn trong một khoảng thời gian dài hơn".
Phát hiện này cũng liên quan đến lịch sử ban đầu của Trái Đất. Theo TS Romain Tartese, giảng viên cao cấp tại Đại học Manchester, Trái Đất và Mặt Trăng có thể đã trải qua những tác động tương tự trong lịch sử ban đầu, nhưng hồ sơ đá từ Trái Đất đã bị mất. Chúng ta có thể sử dụng những gì đã học được về Mặt Trăng để cung cấp manh mối về các điều kiện trên Trái đất trong cùng khoảng thời gian đó".
Mặc dù việc xác định niên đại từ thiên thạch Northwest Africa 2995 đã cung cấp dấu hiệu tốt về tuổi của lưu vực SPA, nhóm nghiên cứu sẽ phải xác nhận dữ liệu này bằng nhiệm vụ lấy mẫu từ bên trong miệng hố.
Minh Thư (Theo Live Science)