Theo cảnh báo mới đây từ một số nhà nghiên cứu, nhiễm trùng nấm đang vượt ra ngoài khả năng của y học, và có nguy cơ gây ra một "đại dịch thầm lặng", cần được giải quyết khẩn cấp.
Norman van Rhijn, nhà sinh học phân tử tại Đại học Manchester (Anh), cho biết: "Mối đe dọa từ các tác nhân gây bệnh nấm đang ngày càng gia tăng, nhưng bị bỏ qua trong các cuộc tranh luận".
Theo chuyên gia này, nếu không có sự quan tâm và hành động khẩn cấp, một số bệnh nhiễm trùng nấm đặc biệt nguy hiểm, vốn đã lây nhiễm cho 6,5 triệu người và cướp đi sinh mạng của 3,8 triệu người mỗi năm, có thể trở nên nguy hiểm hơn nữa.
"Việc tập trung quá mức vào vi khuẩn là điều đáng lo ngại", Norman van Rhijn và các đồng nghiệp nhấn mạnh.
"Bởi đó là khi chúng ta bỏ quên các bệnh nấm xâm lấn, đặc biệt là phần lớn trong số chúng chưa được cộng đồng và chính phủ nhận thức đầy đủ".
So với vi khuẩn hoặc virus, nấm là sinh vật phức tạp hơn, vì có cấu trúc tương tự động vật.
Điều này khiến các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn trong việc phát triển thuốc tiêu diệt tế bào nấm mà không làm tổn hại đến các tế bào quan trọng khác trong cơ thể.
Ngay cả khi những loại thuốc này đã ra mắt thị trường sau nhiều năm phát triển và thử nghiệm lâm sàng, chúng vẫn gặp khó khăn do ngành công nghiệp hóa chất nông nghiệp đã phát triển các loại thuốc diệt nấm có cơ chế hoạt động tương tự.
Theo các nhà nghiên cứu, điều này dẫn đến tình trạng "kháng chéo" đối với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất ở nấm, khiến chúng càng trở nên nguy hiểm hơn.
"Hóa chất chống nấm là cần thiết cho an ninh lương thực. Nhưng phải có sự cân bằng giữa an ninh lương thực với khả năng điều trị các tác nhân gây bệnh nấm kháng thuốc", nhóm nghiên cứu cho biết.
Năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố danh sách tác nhân gây bệnh nấm ưu tiên. Đây được xem là nỗ lực toàn cầu đầu tiên nhằm ưu tiên các tác nhân gây bệnh nấm một cách có hệ thống.
Đứng đầu trong số các loại nấm gây bệnh được coi là nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người bao gồm Aspergillus fumigatus, có nguồn gốc từ nấm mốc, gây nhiễm trùng hệ hô hấp.
Đứng sau lần lượt là Candida (gây nhiễm trùng), Nakaseomyces glabratus (gây nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc máu), Trichophyton indotineae (gây nhiễm trùng da, tóc và móng tay).
Trong đó, những người lớn tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao nhất trước các loại nấm này.
Theo
www.sciencealert.com