Một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc Hiệp hội Nhân đạo Toàn cầu (HSI) vừa công bố kết quả của một cuộc kiểm tra tại 5 trang trại nuôi cáo, gấu mèo và chồn ở Trung Quốc. Theo đó, họ đã phát hiện ra 36 chủng virus hoàn toàn mới. 13 chủng có khả năng lây nhiễm sang người và làm dấy lên nguy cơ về các đại dịch trong tương lai, tương tự như COVID-19.
HSI cho biết các trang trại được kiểm tra nằm ở cách tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh, thuộc miền bắc Trung Quốc. Mỗi trang trại có từ 2.000 đến 4.000 con vật trong điều kiện chăn nuôi tập trung, nhằm mục đích lột da lấy lông, phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang cao cấp.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà khoa học đã cảnh báo việc nuôi các loài động vật có vú như chồn, cáo và gấu mèo để lấy lông có thể khiến nhiều chủng virus mới lây từ động vật sang con người.
"Nuôi thú lấy lông là một trong những hoạt động dễ dàng nhất mà con người có thể làm bùng phát đại dịch mới", giáo sư Edward Holmes, một nhà virus học từng dẫn đầu các nghiên cứu về COVID-19 cho biết. "Theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ ngành nuôi thú lấy lông trên toàn cầu nên bị đóng cửa".
Để đánh giá nguy cơ bùng phát dịch bệnh do các chủng virus mới nổi trên động vật, còn được gọi là virus zoonotic có thể gây ra, các nhà khoa học tại Hiệp hội Nhân đạo Toàn cầu (HSI) đã tới 5 trang trại ở miền bắc Trung Quốc, thu thập các mẫu vật liệu di truyền lấy được từ phổi và ruột của 461 con vật như chồn, thỏ, cáo và chó gấu mèo.
Hầu hết các loài động vật này hiện đang được nuôi ở Trung Quốc để lấy lông. Một số phục vụ ngành dược phẩm Đông Y, khi một số khác được nuôi làm thực phẩm. Kết quả cho thấy trong số 461 mẫu vật, các nhà khoa học đã phát hiện 125 loại virus.
Các nhà khoa học đánh giá 39 virus trong số này thuộc nhóm có nguy cơ cao lây truyền giữa các loài động vật với nhau và giữa động vật với con người. Đáng chú ý, 36 virus trong số đó là những virus hoàn toàn mới. Và 13 loại virus mới có khả năng lây lan sang con người. Trong số này có 7 chủng virus corona, họ hàng với SARS-CoV-2 từng gây ra đại dịch COVID-19.
Việc phát hiện các chủng virus mới và có khả năng lây sang người là rất đáng báo động. Bởi các virus này rất mới, cơ thể con người chưa xây dựng được hệ thống kháng thể để chống lại chúng.
Nếu một sự kiện lây nhiễm đột phá xảy ra, virus từ động vật lây nhiễm người có thể gây ra những căn bệnh rất nặng, với tỷ lệ tử vong cao.
Trên thực tế, hầu hết các đại dịch của loài người từ trước đến nay đều do virus lây từ động vật sang người. Có thể kể đến như đại dịch HIV/AIDS (virus lây từ khỉ), các dịch bệnh cúm gia cầm, cúm lợn (H1N1), virus Ebola (lây từ dơi) và gần đây nhất là COVID-19 được cho là lây lan từ dơi sang người, qua một loài trung gian chưa xác định.
Các virus lây nhiễm động vật được gọi chung là virus zoonotic. Các nhà khoa học ước tính trên Trái Đất có khoảng 1,67 triệu virus loại này. Nhưng hiện tại, chúng ta mới chỉ phân loại được trên dưới 600 chủng. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học HSI đã thêm vào 36 chủng trong số đó.
Thông thường, các virus zoonotic chỉ lây nhiễm một loài động vật nhất định. Nhưng nếu các loài động vật thường xuyên có sự tiếp xúc với nhau, virus zoonotic có thể nhảy từ loài này sang loài khác.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học HSI đã tìm thấy một số virus cúm gia cầm trên lông của chồn, chuột xạ hương và chuột lang, khi chúng được nuôi gần chuồng gà.
Và bởi những người nông dân chăn nuôi cũng tiếp xúc rất nhiều với virus zoonotic, chúng cũng có thể lây nhiễm sang họ.
Quá trình lây nhiễm ban đầu rất đơn giản, virus zoonotic chỉ vô tình bay từ lông động vật sang da người hoặc được hít vào đường hô hấp trên của những người nông dân chăm sóc thú.
Tại đây, virus không lây nhiễm được người, do chúng chỉ có các thụ thể bên ngoài đặc hiệu để lây nhiễm động vật. Những virus này hàng ngày có thể bị rửa trôi trong quá trình chúng ta tắm rửa, hoặc bị chết ngay trên dịch niêm mạc trong mũi và phế quản của chúng ta.
Tuy nhiên, khi các sự kiện virus zoonotic nhảy sang người được tích lũy dần, những người nông dân ngày càng hít phải nhiều virus và dính phải nhiều virus zoonotic hơn, các chủng virus này bắt đầu tiến hóa.
Chúng sẽ hình thành các thụ thể trên bề mặt để chui được vào tế bào người qua niêm mạc mũi, khí quản hoặc phổi của chúng ta. Sau khi đã vào tế bào, virus zoonotic sẽ đánh cắp một số DNA của con người, và tiến hóa để lây nhiễm được từ người này sang người khác.
Ở thời điểm này, virus zoonotic không còn là virus lây nhiễm động vật nữa. Chúng sẽ biến thành virus lây nhiễm người và gây ra các dịch bệnh mới, được gọi là bệnh mới nổi. Các căn bệnh mới nổi có thể trở thành dịch bệnh và đại dịch nếu virus có tốc độ lây lan nhanh và gây ra tỷ lệ tử vong cao.
Vậy trong số 13 virus mới được tìm thấy từ các trang trại nuôi thú lấy lông ở Trung Quốc, các nhà khoa học có tìm thấy chủng virus zoonotic nào nguy hiểm hay không?
Giáo sư Edward Holmes cho biết có một chủng virus mới giống với virus HKU5 từng được phát hiện ở loài dơi Pipistrellus khiến ông đặc biệt lo ngại. Trước đây, virus này chỉ được tìm thấy ở dơi, nhưng bây giờ, nó đã tiến thêm một bước để lây nhiễm phổi của những con chồn nuôi lấy lông ở Trung Quốc.
Đây là một chủng virus họ hàng với virus MERS đã gây ra Hội chứng Hô hấp Trung Đông với tỷ lệ tử vong lên đến 40%. "Việc chúng ta thấy nó đã nhảy từ dơi sang chồn nuôi phải được coi là một tiếng chuông cảnh báo", giáo sư Holmes cho biết. "Virus này cần được theo dõi".
Trước đây, các sự kiện virus zoonotic nhảy sang người được cho là xuất phát từ hoạt động săn bắn và buôn bán động vật hoang dã. Virus SARS-CoV-2 được cho là đã lây nhiễm người đầu tiên ở một khu chợ ẩm ướt ở Vũ Hán, nơi người ta công khai bày bán tê tê, thịt chuột và thịt sóc.
"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc buôn bán động vật hoang dã là nguyên nhân gây ra sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2", giáo sư Holmes nói. "Và tôi nghĩ rằng ngành buôn bán lông cũng có thể dễ dàng tạo điều kiện cho một loại virus gây bùng phát đại dịch khác".
Các nhà khoa học kêu gọi Trung Quốc tăng cường giám sát hoạt động của các trang trại nuôi động vật để lấy lông - đặc biệt là chồn, chó và gấu mèo, vì những loài này đã được ghi nhận chứa nhiều virus "nguy cơ cao" nhất.
Ngoài Trung Quốc, cũng có một số quốc gia ở Châu Âu như Phần Lan và Đan Mạch có nền công nghiệp nuôi thú lấy lông phát triển. Năm 2020, Đan Mạch từng ban bố lệnh tiêu hủy toàn bộ quần thể chồn trên khắp đất nước để phòng ngừa COVID. Tuy nhiên, sau đó, nước này đã cấp phép cho hoạt động nuôi chồn lấy lông trở lại.
Thống kê cho thấy có hàng chục triệu động vật bị giết để lấy lông mỗi năm, bao gồm 22 triệu động vật ở Trung Quốc, 10 triệu ở Châu Âu, 2 triệu ở Mỹ và Canada và 600.000 ở Nga. Ngược lại, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã cấm triệt để nghề nuôi động vật để lấy lông, bao gồm Anh, Áo, Ý, Bỉ, Cộng hòa Séc, Hà Lan…
Nguồn: Nature, Phys, Reuters
Lấy link