Nếu bạn là người có chiều cao trung bình lớn hơn so với mặt bằng chung trong dân số, xin chúc mừng! Bạn không chỉ được hít thở ở một tầng không khí cao hơn người bình thường, bắt được sóng wifi mạnh hơn ở quán cà phê mà còn trở thành một nhà dự báo thời tiết đáng tin cậy.
Sự thật là nếu bạn cao hơn, bạn sẽ luôn biết khi nào trời mưa trước những người còn lại.
Thế nhưng, đây là một tin xấu: Nếu bạn cao hơn mặt bằng chung dân số, bạn cũng sẽ có cơ hội cao hơn phải gặp bác sĩ ung thư. Bởi theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, những người cao lớn thì cũng có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn ở nhiều bộ phận trên cơ thể bao gồm:
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư đại tràng
- Ung thư tử cung (nội mạc tử cung)
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Ung thư thận
- Ung thư da (melanoma)
- Ung thư vú (cả trước và sau mãn kinh)
Nhưng tại sao lại như vậy?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải quay trở lại bản chất của ung thư. Các nhà khoa học cho rằng ung thư phát triển là do sự tích lũy những đột biến liên quan đến gen. Mỗi khi một tế bào trong cơ thể phân chia, nó sẽ làm phát sinh một số lượng các đột biến.
Trong khi đa phần đột biến của quá trình phân bào là vô hại, một lượng nhỏ các đột biến gây hại có thể được tích lũy dần lên, cho tới khi nó tạo ra một tế bào ung thư. Do đó, quá trình phân bào xảy ra càng nhanh và càng nhiều thì một người càng có nguy cơ để mắc ung thư cao hơn và sớm hơn.
Những người cao to hơn mặt bằng chung dân số, dĩ nhiên, sẽ có nhiều tế bào hơn trong cơ thể. Do đó, số lần phân bào của họ cũng nhiều hơn người bình thường. Theo giả thuyết này, những người cao sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Giả thuyết số lượng tế bào, cho đến nay, đã được nhiều nhà nghiên cứu ung thư ủng hộ. Họ cho rằng số lượng tế bào trên cơ thể hoặc trong một cơ quan sẽ quyết định nguy cơ mắc ung thư của một người.
Điều này cũng có thể giải thích tại sao tỷ lệ ung thư ở nam giới thường cao hơn phụ nữ. Vì đơn giản là họ cao hơn.
Tuy nhiên, chúng ta không rõ liệu chiều cao có liên quan đến kích thước của tất cả các cơ quan hay không. Ví dụ, liệu phụ nữ cao có ngực to hơn hay buồng trứng lớn hơn sẽ khiến nguy cơ mắc ung thư ở các bộ phận này của họ cao hơn?
Một nghiên cứu trên tạp chí Annals of Translational Medicine đã cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Trong đó, họ phát hiện khối lượng của một cơ quan tỷ lệ thuận với nguy cơ phát triển ở cơ quan đó trong 8/15 loại bệnh ung thư thường gặp. Nhưng vẫn có 7/15 loại ung thư không liên quan đến khối lượng cơ quan mà nó khu trú.
Vì vậy, điều này dẫn chúng ta tới một giả thuyết thứ hai, liên quan đến một hormone gọi là IGF-1 có trong cơ thể những người cao.
IGF-1 là từ viết tắt của "insulin-like growth factor 1" tạm dịch là "yếu tố tăng trưởng bắt chước insulin". Đúng như tên gọi của nó IGF-1 giúp chúng ta phát triển chiều cao và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và phân chia tế bào ở trẻ em và cả người trưởng thành.
Đây là một chức năng quan trọng. Cơ thể chúng ta cần sản xuất các tế bào mới khi các tế bào cũ bị tổn thương hoặc già đi. Hãy nghĩ đến tất cả các tế bào da bong ra khi bạn tắm. Những tế bào đó cần được thay thế để da của chúng ta không bị mỏng đi vì hao mòn.
Tuy nhiên, cái gì nhiều quá thì cũng không tốt. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra những người có nồng độ hormone IGF-1 cao hơn so với trung bình có nguy cơ phát triển ung thư vú hoặc tuyến tiền liệt cao hơn.
Nhưng một lần nữa, giả thuyết này không thể áp dung tất cả các loại ung thư. Vì vậy, có thể cả hai giả thuyết về số lượng tế bào và IGF-1 chỉ đều đóng một phần vai trò trong nguy cơ mắc ung thư của những người cao.
Rõ ràng, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để thực sự hiểu tại sao người cao dễ mắc ung thư hơn người thấp.
Vậy nếu bây giờ bạn cao, thì bạn nên làm gì?
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet, theo dõi gần 1,3 triệu phụ nữ ở Vương quốc Anh, các nhà khoa học đã tìm thấy người có chiều cao lớn hơn có nguy cơ mắc 15 trên 17 loại ung thư cao hơn
Nghiên cứu này phát hiện rằng cứ mỗi 10 cm chiều cao tăng lên, nguy cơ mắc ung thư sẽ tăng khoảng 16%. Tương tự, ở nam giới cũng có sự gia tăng như vậy.
Những con số nghe có vẻ lớn. Nhưng hãy đặt điều này vào ngữ cảnh. Bởi tỷ lệ mắc ung thư của một người điển hình mỗi năm chỉ là dưới 0,5%, nếu thống kê trong 10.000 người có 45 người sở hữu chiều cao 1m6 mắc ung thư thì tương ứng với đó, chỉ có 52 người cao trên 1m7 mắc bệnh.
Con số chênh lệch chỉ là 7 trường hợp. Vậy nên, thực tế thì chiều cao chỉ quyết định một phần rất nhỏ trong nguy cơ mắc ung thư của bạn. Nó cũng giống như việc nếu bạn cao hơn thì bạn sẽ hít thở ở một tầng không khí cao hơn và phát hiện ra một cơn mưa sớm hơn. Nhưng nó chẳng đáng là bao.
Ngược lại, nguy cơ mắc ung thư có thể tăng cao hơn nhiều nếu bạn có lối sống kém lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu và lười tập thể dục.
Vì vậy, nếu bạn cao, tin tốt là vẫn có nhiều cách để giúp tỷ lệ mắc ung thư của bạn giảm xuống dưới mặt bằng chung dân số. Hãy cố gắng:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Hạn chế tiêu thụ rượu
Và quan trọng nhất, không hút thuốc!
Nếu bạn có thể làm được tất cả những điều này, bạn sẽ giảm được đáng kể tỷ lệ mắc ung thư, cho dù bạn cao. Vậy nên, hãy cứ lạc quan lên. Và có một tin tốt cho bạn đây. Các nghiên cứu khoa học cho thấy những người cao hơn thì có nguy cơ đau tim và đột quỵ thấp hơn.
Vì vậy cái gì cũng có hai mặt của nó. Hãy luôn tự tin với chiều cao vốn có của bạn.
Nguồn: Tham khảo Theconversation, Pubmed, Nature
Lấy link