Theo Business Insider, nhiều nhân viên Nvidia đã giàu lên nhanh chóng sau vài năm nhờ đà tăng giá cổ phiếu. Kinh doanh bùng nổ khiến thu nhập, lương thưởng đều cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là nhiều người không có thời gian để nghỉ ngơi, giải trí. Họ phải làm việc cường độ cao để đáp ứng kịp các đơn đặt hàng.
Chia sẻ với báo giới, nhân viên và cựu nhân viên Nvidia cho biết nhà sáng lập kiêm CEO Jensen Huang đã xây dựng một văn hóa làm việc cầu toàn và điên cuồng. Ông thường thức dậy lúc 6h để tập thể dục, sau đó làm việc 14 tiếng mỗi ngày.
“Tôi luôn muốn làm việc khó, tiếp đến là cực kỳ khó”, CEO 61 tuổi chia sẻ trên podcast 20VC hồi tháng 3.
Ở tuổi U70, Huang dường như không cho phép bản thân chậm lại. Người đứng đầu tập đoàn sản xuất chip cho biết ông làm việc mọi ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, song luôn cảm thấy vui vẻ vì được làm công việc mình yêu thích. Các vấn đề đều có sự tham gia của Huang để ông có thể trực tiếp giải quyết và tham vấn.
Một cựu nhân viên từng làm hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng doanh nghiệp cho biết anh được yêu cầu làm việc 7 ngày/tuần. Có ngày làm đến 1-2 giờ sáng. Nhiều đồng nghiệp cũ của anh, đặc biệt trong nhóm kỹ thuật, còn phải làm nhiều giờ hơn.
Mô tả môi trường làm việc tại công ty, người này cho biết mọi thứ không khác gì “nồi áp suất”, đi họp như đi cãi nhau. Vì thu nhập cao, anh cố gắng trụ lại song cuối cùng cũng phải rời đi vào tháng 5 vừa rồi.
Một nhân viên khác từng làm tại bộ phận marketing đến năm 2022 cho biết cô thường tham gia 7-10 cuộc họp/ngày. Mỗi cuộc họp có hơn 30 người tham gia. Tranh cãi là chuyện ‘cơm bữa’. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng làm việc trong 2 năm vì mức thu nhập hấp dẫn.
Được biết Nvidia có văn hóa không sa thải nhân viên. Khi một cá nhân làm việc kém hiệu quả, công ty thường cố gắng tìm một nhóm mới cho người đó, thay vì huấn luyện tăng cường hoặc sa thải. Chính ông Huang cũng nhiều lần nói không muốn sa thải bất kỳ ai.
Báo cáo của hãng cho thấy vào năm 2023, 5,3% nhân viên đã chủ động xin nghỉ việc. Tuy nhiên sau khi vốn hóa công ty đạt mốc 1.000 tỷ USD năm ngoái, tỷ lệ trong năm nay chỉ còn 2,7%. Mức nghỉ việc bình quân toàn ngành bán dẫn là 17,7%.
Cuối năm ngoái, nguồn tin của Business Insider cho biết nhiều nhân viên đã có dấu hiệu lười làm việc bởi lương thưởng quá cao. Thái độ làm việc trên đã gây chia rẽ nội bộ và khiến ông Huang phải tổ chức cuộc họp để giải quyết vấn đề.
Theo một cựu nhân viên kỹ thuật, những người gắn bó gần một thập kỷ với Nvidia sẽ thừa tiền để nghỉ hưu. Nhiều người quyết không nghỉ việc để kiếm thêm hàng triệu USD nữa khi khoản thưởng cổ phiếu tiếp theo đến hạn.
Hai năm qua, cựu nhân viên kỹ thuật này thường xuyên thấy đồng nghiệp lướt các website bất động sản và bóng gió về những ngôi nhà nghỉ dưỡng mới. Tần suất đi xem các sự kiện thể thao lớn như giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl và vòng chung kết bóng rổ NBA Finals cũng nhiều hơn.
Spencer Hsu, một môi giới bất động sản tại Palo Alto, California, đã làm việc với nhiều nhân viên của Nvidia trong năm nay. “Chúng tôi chỉ trao đổi được vào buổi tối và cuối tuần. Tôi rất ngạc nhiên khi biết họ có bao nhiêu tiền từ cổ phiếu”, anh nói. Nhóm này thường trả trước 40-60% giá trị các căn nhà triệu USD.
Ngoài vấn đề thu nhập, Airan Junior - nhân viên hãng chip này từ năm 2020 đến 2023 - cho biết làm việc tại Nvidia giống như ở Disneyland. Anh cho rằng văn hóa độc đáo của công ty đã góp phần giúp họ thành công vang dội.
Dẫu vậy, vẫn có nhân viên phàn nàn về chế độ lương thưởng. Họ nói phần lớn tài sản đều bị gắn liền với cổ phiếu. Hơn nữa, thuế cũng lấy đi một phần lớn thu nhập của nhân viên Nvidia.
“Sẽ thật sai lầm nếu coi làm việc tại Nvidia là cách kiếm được 1 triệu USD nhanh chóng”, người này nói và cho biết 1 triệu USD “không phải là con số lớn” ở bang California (Mỹ), nơi Nvidia có 4 văn phòng, vì giá nhà và chi phí sinh hoạt rất cao.
Dẫu vậy, phần đông đều một lòng một dạ làm dưới trướng Huang. Theo khảo sát của website tuyển dụng Glassdoor, tỷ lệ ủng hộ ông là 97%, cao hơn so với các đồng nghiệp tại Alphabet (94%), Apple (87%), Meta Platforms (66%) và Amazon.com (54%).
Theo CNBC, Jensen Huang tập trung vào những nơi ông có thể tạo ra tác động tích cực nhất cho Nvidia và nhân viên, bao gồm “lập kế hoạch sản phẩm và chiến lược” và nhận phản hồi về sản phẩm từ khách hàng. Vị CEO này cũng thích gặp gỡ nhân viên tại nhà ăn của Nvidia vì với ông, trách nhiệm hàng đầu của mình là gìn giữ văn hoá công ty.
“Tôi cố gắng dành thời gian, càng nhiều càng tốt, cho những việc mà tôi tin rằng sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến công ty. Mọi người ngạc nhiên về lượng thời gian tôi ăn ở căng tin, dù là bữa trưa hay bữa tối. Ai cũng bất ngờ về thời gian tôi dành cho các cuộc họp với tất cả nhân viên”, ông nói.
Được biết, Huang chính là người đặt nền móng cho sự phát triển AI từ năm 2006 sau khi phát triển chip phục vụ các mục đích ngoài đồ hoạ. Các kỹ sư nhanh chóng bắt đầu tận dụng những con chip này để xây dựng các hệ thống AI phức tạp phù hợp với cách hoạt động của chip đồ họa bằng cách thực hiện vô số phép tính cùng một lúc.
Theo: Business Insider, CNBC
Lấy link