Anh Trần Ngọc Huế (dân tộc Tày, thôn Đồng Lục, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) đã thành công với mô hình nông nghiệp hữu cơ áp dụng công nghệ cao bằng sự năng động, sáng tạo.
Chúng tôi về xã Gia Phú trong một lần được chị Trần Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã mời về dự buổi tập huấn kỹ năng marketing cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp. Tại buổi tập huấn hôm ấy, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với người đàn ông ngoài 40 tuổi, chăm chú lắng nghe và tích cực đặt câu hỏi cho chuyên gia. Đó là anh Trần Ngọc Huế, dân tộc Tày, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục.
Tò mò, chúng tôi hỏi chị Hương về anh Huế, chị Hương kể: Anh Huế là hội viên nông dân tiêu biểu của xã. Mặc dù không còn trẻ nhưng anh là một trong những người đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Anh Huế rất tích cực tham gia các buổi tập huấn về nông nghiệp. Mô hình của gia đình anh Huế là một trong những mô hình thành công nhất của xã. Năm 2022, anh Huế được vinh danh là nông dân tiêu biểu cấp tỉnh.
Sau buổi tập huấn, chúng tôi bắt chuyện và được anh Huế dẫn về thăm mô hình sản xuất nông nghiệp của anh. Bước vào khu vực nhà màng rộng hơn 3.000 m2, chúng tôi bất ngờ khi thấy chỉ có 1 nhân công. Thấy chúng tôi tò mò, anh Huế “bật mí”: Khu vườn này ngoài dựng nhà màng, anh còn đầu tư hệ thống tưới nước, chiếu sáng… hoàn toàn tự động, điều khiển qua điện thoại thông minh. Riêng khâu bón phân vẫn làm thủ công, bởi trồng rau, quả hữu cơ phải ủ phân chuồng, đạm cá… không pha được vào hệ thống tưới.
Đến nay, trải qua gần 10 năm gắn bó với nghề nông, anh Huế cho rằng đó là quyết định đúng đắn nhất. Anh Huế tâm sự, năm 2017, khi đó anh là Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lục, anh được tham gia đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh đi tham quan các mô hình nông nghiệp tại một số tỉnh.
Sau khi trở về, anh quyết định thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Gia Phú. Đến năm 2019, do muốn vừa áp dụng công nghệ cao vừa sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ nên anh tách ra, thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục, duy trì và hoạt động từ đó cho đến nay.
Thời gian đầu, do chỉ am hiểu về sản xuất nông nghiệp truyền thống nên anh Huế gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao. Để tránh thất bại ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh chấp nhận bỏ chi phí thuê kỹ sư nông nghiệp có kinh nghiệm về công nghệ để tư vấn, hỗ trợ. Sau 1 năm tự tìm hiểu, học hỏi, tích lũy kiến thức, anh Huế đã tự thiết kế các thiết bị tự động.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, anh Huế còn áp dụng các biện pháp canh tác an toàn và thân thiện với môi trường, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, sản phẩm của anh không những có chất lượng cao mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất.
Anh Huế chia sẻ: Chắc hẳn nhiều người vẫn quen với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn nhưng giờ đây, người nông dân cũng đã có thêm một hình ảnh khác, đó là “nông dân số”.
Muốn phát triển bền vững từ nông nghiệp thì phải áp dụng công nghệ, kết hợp sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Không những vậy, nông dân phải không ngừng tìm tòi, học hỏi để cập nhật, đổi mới và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong tất cả các khâu sản xuất.