Các nhà khoa học phát hiện hai hài cốt trong quá trình khai quật khu Regio IX thuộc tàn tích thành phố cổ Pompeii, giúp hé lộ khoảnh khắc hoảng loạn cuối cùng của những người chết trong thảm họa núi lửa Vesuvius phun trào năm 79, IFL Science hôm 12/8 đưa tin. Nghiên cứu mới do Gabriel Zuchtriegel, giám đốc công viên khảo cổ Pompeii, cùng các đồng nghiệp tiến hành và được công bố trên tạp chí điện tử Excavations of Pompeii.
Hài cốt người phụ nữ, khoảng 35 - 45 tuổi, nằm trên giường trong tư thế bào thai, còn người đàn ông trẻ - được cho là không quá 20 tuổi - chết trong đống đổ nát dưới một bức tường sập. Căn phòng nơi phát hiện hai nạn nhân này được gọi là Khu vực 33.
Vì căn phòng không bị đá bọt núi lửa xâm chiếm, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể hai nạn nhân đã vào đây để trú ẩn khỏi cơn mưa dung nham trút xuống Pompeii. Tuy nhiên, khi căn phòng liền kề đầy đá bọt, họ bị mắc kẹt.
Lớp tro bụi dày vài cm trên sàn cho thấy có thể hai nạn nhân mất mạng do luồng mạt vụn núi lửa - luồng vật liệu núi lửa và khí nóng di chuyển nhanh. Nhóm nghiên cứu cho rằng dòng chảy chết chóc này khiến bức tường đổ sập và lấy mạng người đàn ông trẻ. Trong khi đó, người phụ nữ trung niên có thể đã sống thêm một thời gian ngắn. Bà nằm trên giường và chờ đợi cái chết.
Bên cạnh hài cốt người phụ nữ, các nhà khảo cổ phát hiện một bộ chìa khóa sắt, có thể liên quan đến chiếc rương đặt gần đó. Ngoài ra, xung quanh bà còn có nhiều đồng tiền vàng, bạc, đồng và trang sức. Trong số trang sức, có một đôi hoa tai bằng vàng và ngọc trai thuộc kiểu "crotalia" (nghĩa là lách cách), được đặt tên theo tiếng kêu do các viên ngọc trai va vào nhau. Ngoài ra còn có một mặt dây chuyền hình bùa hộ mệnh mang lại sự bảo vệ khi sinh nở. Dựa trên phát hiện này, nhóm nghiên cứu cho rằng người phụ nữ định ôm theo kho báu thoát thân, nhưng cuối cùng không thể ra khỏi Khu vực 33.
Thành phố cổ Pompeii được xếp hạng Di sản Thế giới UNESCO năm 1997. Phần lớn thành phố này vẫn bị bao phủ trong lớp tro bụi từ thảm họa phun trào núi lửa Vesuvius. Các chuyên gia vẫn tiếp tục khai quật từng địa điểm để thu thập thêm thông tin về cuộc sống của cư dân thành phố trước thảm họa.
Thu Thảo (Theo IFL Science)