Sân bay quốc tế Zayed ở Abu Dhabi nổi tiếng với cơ sở hạ tầng công nghệ cao đang tiến hành dự án Smart Travel nhằm lắp đặt cảm biến sinh trắc ở mọi điểm kiểm tra nhận dạng, từ quầy check-in tới booth nhập cư, cửa hàng miễn thuế, phòng chờ sân bay và cổng ra máy bay. Sinh trắc học sử dụng các đặc điểm sinh học của con người để nhận dạng và xác thực danh tính. Thông qua cảm biến, ở bất kỳ địa điểm nào cần giấy tờ để thông qua, đặc điểm và tình trạng chuyến bay của hành khách có thể xác nhận bằng nhận dạng gương mặt hoặc mống mắt, theo CNN.
Tại Abu Dhabi, công nghệ này đã được sử dụng ở một số khu vực của sân bay, đặc biệt trong chuyến bay do hãng hàng không đối tác Etihad vận hành. Tuy nhiên, mục tiêu là mở rộng ra toàn bộ lưu lượng hành khách. "Chúng tôi đang mở rộng lên 9 điểm cảm biến", Andrew Murphy, giám đốc thông tin ở sân bay Abu Dhabi, cho biết. "Hệ thống được thiết kế để không cần đăng ký trước, hành khách được nhận dạng và xác thực tự động khi họ di chuyển qua sân bay, giúp đẩy nhanh đáng kể toàn bộ quá trình".
Murphy giải thích bất cứ ai tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất lần đầu tiên, dù là cư dân hay hành khách, đều có đặc điểm sinh trắc được thu thập bởi Cục nhận dạng, quyền công dân, hải quan và an ninh cảng liên bang (ICP) khi nhập cư. Hệ thống của sân bay sử dụng cơ sở dữ liệu này để xác nhận hành khách qua cửa kiểm tra.
Murphy chia sẻ mục đích là giảm bớt áp lực từ lưu lượng hành khách, khiến việc quá cảnh nhanh chóng hơn nhiều. Tính đến nay, kết quả áp dụng ban đầu đã chứng minh hiệu quả. "Mọi người cho biết đi từ ngoài đường vào khu vực bán lẻ hay tới cửa lên máy bay trong chưa đầy 15 phút. Trong bối cảnh đây là một cơ sở khổng lồ, xử lý tới 45 triệu hành khách, có thể di chuyển qua sân bay lớn cỡ đó trong vòng vài phút thực sự là đột phá", Murphy nói.
Vào tháng 10/2023, trong khảo sát của Hiệp hội giao thông hàng không quốc tế (IATA), 75% hành khách khẳng định họ thích sử dụng dữ liệu sinh trắc hơn là hộ chiếu và thẻ lên máy bay. 25% còn lại có thể cảm thấy không thoải mái với công nghệ mới hoặc tương tác với con người hơn. Theo Murphy, thực hiện xác thực hành khách theo quy trình truyền thống vẫn là một lựa chọn.
Các nhà hoạch định chính sách quốc tế cũng ủng hộ cung cấp cho hành khách quyền lựa chọn dùng nhận dạng gương mặt hoặc không, đặc biệt khi có những người không quen quá cảnh ở sân bay. Nếu hành khách đi cùng con nhỏ, việc trình giấy tờ cho nhân viên sân bay vẫn bắt buộc, do quy định độ tuổi có thể khác biệt từ sân bay này tới sân bay khác. Murphy cho biết sân bay của họ áp dụng hệ thống sinh trắc cho người từ 12 tuổi trở lên bởi đối với trẻ em nhỏ tuổi hơn, đặc điểm gương mặt của chúng thay đổi khá nhanh.
Các sân bay khác trên khắp thế giới cũng phụ thuộc ít hơn vào giấy tờ và nhiều hơn vào sinh trắc. Trong báo cáo hồi tháng 10/2023 của IATA, 46% người khảo sát cho biết họ từng sử dụng công nghệ này ở sân bay trước đây. Tuy nhiên, chưa có sân bay nào chính thức được công nhận là sân bay không hộ chiếu. Sân bay Changi ở Singapore là một trong những nơi đi đầu áp dụng công nghệ. Tương tự Abu Dhabi, họ cũng hợp tác với cơ quan nhập cư của chính phủ để phát triển hệ thống sinh trắc có thể tiếp cận với cả cư dân và hành khách. Hệ thống sẽ được áp dụng dần dần, bắt đầu từ tháng này.
Sân bay quốc tế Hong Kong, Narita (Tokyo), Haneda (Tokyo) và sân bay quốc tế Indira Gandhi ở Delhi cũng giới thiệu điểm xác thực sinh trắc khi quá cảnh. Các sân bay ở châu Âu cũng đạt nhiều bước tiến quan trọng. Năm ngoái, IATA hợp tác với British Airways để thử nghiệm chuyến bay quốc tế nhận dạng kỹ thuật số đầy đủ đầu tiên. Cất cánh ở Heathrow và hạ cánh ở Rome Fiumicino, hành khách thử nghiệm chỉ cần bay với nhận dạng kỹ thuật số gọi là W3C Verifiable Credential. Hộ chiếu, visa và vé điện tử của họ được lưu giữ trong ví kỹ thuật số, tất cả xác thực bởi nhận dạng sinh trắc. Tại Mỹ, Cục hải quan và bảo vệ biên giới áp dụng sinh trắc ở khu vực đến của tổng cộng 96 sân bay quốc tế, với 53 sân bay trong số đó áp dụng công nghệ ở cả khu vực khởi hành.
An Khang (Theo CNN)