Bước tiến trong chuyển đổi số ở Quảng Ngãi

Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm khá về Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI).


Để đạt mục tiêu này, tháng 9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13 - NQ/TU về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết, công tác CĐS đạt nhiều kết quả tích cực.


Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số


Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 7 lĩnh vực ưu tiên CĐS gồm: Nông nghiệp; giáo dục; y tế; du lịch; tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị; GTVT, logistics; an ninh, an toàn xã hội. Đồng thời, đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải chuyển đổi nhận thức về CĐS.


Cùng với đó, xây dựng thể chế, chính sách, nguồn lực cho CĐS; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; CĐS trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm an toàn thông tin mạng. Xác định con người là nhân tố quyết định để hoàn thành mục tiêu đề ra, tiên phong vẫn là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong toàn tỉnh.


Quảng Ngãi 1.jpg
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử.

Thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) là địa phương được đánh giá cao trong công tác CĐS. Thực hiện theo lộ trình, bộ phận một cửa UBND thị trấn Châu Ổ đã triển khai và dần hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; 100% cán bộ, công chức thị trấn thực hiện việc tiếp nhận và xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản điện tử và ký số theo đúng quy định.


Địa phương đã triển khai một số mô hình CĐS và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực như: Chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có công (đạt 81%); mô hình chợ công nghệ 4.0 tại chợ Châu Ổ và chợ Châu Ổ 2; tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tại tuyến đường Tế Hanh; đăng ký khai sinh tại nhà qua phần mềm điện tử.


Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ Trần Văn Hồng cho biết, thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy thị trấn, UBND thị trấn đã tập trung nguồn nhân lực cho công tác CĐS. Địa phương đã bố trí cán bộ có trình độ, năng lực về công nghệ thông tin, thành lập tổ công nghệ số để hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa.


Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác CĐS toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, góp phần giải quyết nhanh chóng các TTHC trên môi trường mạng. Người dân trên địa bàn thị trấn đã có những thay đổi trong tiếp cận các dịch vụ công, thanh toán không dùng tiền mặt.


Quảng Ngãi 2.jpg
Sử dụng công nghệ trình chiếu trong dạy học tại Trường THCS Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực được ưu tiên CĐS. Do đó, ngành GD&ĐT Quảng Ngãi đã đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, tất cả các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ tập trung phát triển kho học liệu số và xây dựng hệ thống quản lý kho học liệu trực tuyến dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Cung cấp dữ liệu chuyên cần hằng ngày từ phần mềm quản lý học sinh đến trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh; hồ sơ chuyên môn phải được số hóa 100%.


Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương cho rằng, con người là yếu tố quan trọng trong công tác CĐS, vì vậy ngành giáo dục sẽ tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên về CĐS; đồng thời tổ chức học tập kinh nghiệm tại các trường đã thực hiện hiệu quả công tác CĐS. Cùng với con người thì cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ CĐS là không thể thiếu. Để công tác CĐS thực hiện đảm bảo lộ trình đề ra, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ có những cuộc làm việc, hoặc có văn bản gửi UBND các địa phương để tạo điều kiện cho các trường học trên địa bàn thực hiện công tác CĐS.


Hướng đến chuyển đổi số toàn diện


Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quốc Huy Hoàng, Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác CĐS đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CĐS trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương bước đầu ứng dụng dữ liệu số trong quản lý, điều hành. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, cổng thông tin điện tử, quản lý văn bản và điều hành dùng chung đã triển khai đồng bộ đến cấp cơ sở.


Qua đó, góp phần bảo đảm thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh. Kinh tế số, xã hội số của tỉnh từng bước hình thành và phát triển. Người dân từng bước tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã giúp cho công tác CĐS của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, về hạ tầng số, đến tháng 6/2024, Quảng Ngãi đã hoàn thành phủ sóng di động và Internet tại 100% thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; 100% UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh duy trì kết nối và sử dụng đường truyền mạng số liệu chuyên dùng. Tỷ lệ hồ sơ được số hóa thành phần hồ sơ khi tiếp nhận của các sở, ban, ngành đạt trên 99,8%, của cấp huyện đạt 99,3%, cấp xã đạt 99,6%.


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Để triển khai hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quảng Ngãi đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện CĐS trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương, địa phương để tuyên truyền về CĐS, cải cách hành chính; duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục trên các trang thông tin điện tử, nền tảng số của cơ quan, đơn vị và trên hệ thống truyền thanh cơ sở.


Ứng dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo để truyền thông trên các nền tảng số với phương châm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp cận và có thể thực hiện ngay. Truyền thông chủ động đến từng lứa tuổi với những nội dung phù hợp; đồng thời kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng để ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận.


Quảng Ngãi 3.jpg
Khách hàng thanh toán bằng phương thức quét mã QR khi uống cà phê tại một quán trên đường Tế Hanh, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).

Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai nhân rộng các mô hình điển hình và tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng các cấp. Tập trung phổ cập và phát triển công dân số; ưu tiên nguồn lực thực hiện CĐS ở một số lĩnh vực trọng tâm như: Nông nghiệp và thương mại; giáo dục; y tế; GTVT và logistics; tài nguyên và môi trường; du lịch; tài chính- ngân hàng...


Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030...


Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quảng Ngãi xếp vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Về thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Quảng Ngãi liên tục duy trì vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024). Đánh giá chung chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Quảng Ngãi xếp hạng 26/63 (tăng 10 bậc so với 2023).

Theo HỒNG HOA (Báo Quảng Ngãi)









Buoc tien trong chuyen doi so o Quang Ngai


Quang Ngai dat muc tieu den nam 2025 nam trong nhom kha ve Chi so danh gia chuyen doi so (DTI).

Bước tiến trong chuyển đổi số ở Quảng Ngãi

Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm khá về Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI).
Bước tiến trong chuyển đổi số ở Quảng Ngãi
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: