Dù nhỏ bé, kiến vàng điên (Anoplolepis gracilipes) đang là mối nguy hiểm lớn với môi trường và động vật hoang dã Australia. Chúng có thể phun axit để săn động vật có xương sống như ếch, thằn lằn, chim non, và cũng đã tàn sát 30 triệu con cua, theo Cơ quan Quản lý Khu vực Nhiệt đới Ẩm (WTMA). Do đó, Australia đã ứng dụng công nghệ mới và drone nhằm kiểm soát loài kiến này, Interesting Engineering hôm 6/8 đưa tin.
Khu vực Nhiệt đới Ẩm có những rừng mưa nhiệt đới tồn tại lâu đời nhất Trái Đất. Kiến vàng điên phải bị ngăn chặn vì nếu chúng bò khắp nơi, đe dọa cân bằng sinh thái, thì ngay cả những động vật lớn cũng sẽ rời khỏi khu vực này.
Các nhóm chuyên gia đã tới vùng hoang dã để săn lùng kiến vàng điên, nhưng họ cần sự hỗ trợ của công nghệ để làm việc hiệu quả hơn. Dù loài vật này rất khó tiêu diệt, drone và công nghệ phân tích ADN đang mang lại lợi thế cho con người trong cuộc chiến với chúng, giúp xác định và xử lý các ổ kiến dễ dàng hơn.
Người đầu tiên phát hiện kiến vàng điên, nhà nghiên cứu Peter Yeeles từ Đại học James Cook cho biết, họ đang sử dụng một kỹ thuật truy vết mới phát triển gọi là phân tích ADN môi trường. "Chúng tôi không thực sự chắc chắn những loài không xương sống như kiến để lại những gì, nhưng chúng tôi biết rằng chúng để lại ADN", ông nói.
Sau khi các chuyên gia lấy mẫu từ môi trường, phòng thí nghiệm có thể phân tích và xác định xem kiến vàng điên có sống trong khu vực đó hay không. Một khi được xác nhận, WTMA sẽ điều trực thăng và drone tới tiêu diệt. Theo chuyên gia Gareth Humphrey tại WTMA, công nghệ giúp họ tập trung vào những khu vực nhỏ này thay vì rải lượng lớn mồi nhử ở nơi mà có thể chúng không cư trú.
Kiến vàng điên xuất hiện ở Australia hơn 80 năm trước, bắt đầu từ đảo Giáng Sinh, và chưa rõ con đường xâm nhập. Nước này tốn tới hơn 4 triệu USD mỗi năm để đối phó với chúng mà vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể. Một cư dân chia sẻ, kiến vàng điên thậm chí xâm nhập vào nhà cô, làm hỏng đường dây điện. Với khả năng phun axit formic, chúng thậm chí có thể làm hại thú cưng. Bên cạnh đó, kiến vàng điên cũng có thể gây hại tới sản lượng đường và ngành du lịch.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)