"Người phụ nữ la hét" là tên gọi mà các nhà nghiên cứu đặt cho một xác ướp vô danh, được chôn cất cách đây hơn 3 thiên niên kỷ bên trong lăng mộ của Semnut, một kiến trúc sư hoàng gia thuộc triều đại thứ 18 của Nữ hoàng Ai Cập Hatshepsut.
Trái ngược với sự xa hoa và quý phái như phần lớn thiết kế bên trong lăng mộ của Semnut, xác người phụ nữ chỉ nằm trong một cỗ quan tài gỗ với 2 chiếc nhẫn bằng bạc chạm khắc hình bọ hung. Trên đầu bà là một bộ tóc giả được tết qua loa.
Điều đáng chú ý nhất ở xác ướp này có lẽ là biểu cảm khuôn mặt u ám, đáng sợ của nạn nhân, với đôi mắt như trợn ngược, cái mồm há ngoác, khiến nhiều người cảm thấy lạnh gáy khi lần đầu nhìn thấy.
Nhiều nhận định trước đây cho rằng có thể người phụ nữ bị chôn sống một cách cưỡng ép, với biểu cảm trên khuôn mặt cho thấy nỗ lực chống lại những kẻ đã nhét bà vào cỗ quan tài.
Sahar Saleem, một nhà khoa học đến từ Đại học Cairo (Ai Cập) đã cùng các cộng sự cẩn thận xem xét lại tử thi của người phụ nữ này nhằm tìm hiểu chi tiết hơn về nguyên nhân dẫn tới cái chết của bà.
Bằng nhiều kỹ thuật có độ chi tiết cao, như máy quét CT, kính hiển vi điện tử, quang phổ hồng ngoại biến đổi, phân tích nhiễu xạ tia X… nhóm nghiên cứu có thể xác định rằng người phụ nữ này có vóc dáng khá nhỏ bé, chỉ cao khoảng 1,54 mét.
Bà được xác định qua đời ở độ tuổi khoảng 48, và bị chứng viêm khớp. Mặc dù mọi dấu hiệu liên quan tới sức khỏe của bà đều ổn định, nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy một số chi tiết bất thường.
Đầu tiên, phần nội tạng của người phụ nữ gồm não, cơ hoành, tim, phổi, gan, lá lách, thận… đều còn nguyên vẹn và được bảo quản tốt. Đây là điều đi ngược với tiêu chuẩn ướp xác của đa số thời kỳ, do việc loại bỏ hầu hết các cơ quan được xem là thông lệ chung.
Việc chôn cất bà cũng có một số điểm khác biệt. Thí dụ như hai tay của xác ướp đều đặt trên xương chậu. Trong khi những phụ nữ hoàng gia sống ở cùng thời kì đều có tay trái đặt lên ngực và tay phải đặt bên hông.
Dẫu vậy về tổng thể, những người hành nghề chôn cất đã khá cẩn thận với xác chết của bà. Cỗ quan tài tuy cũ, nhưng không có dấu hiệu bị hư hại, mục nát.
Ngay cả bộ tóc giả của người phụ nữ cũng được xử lý bằng tinh thể thạch anh, magnetite và albite, nhằm tạo độ cứng cần thiết và màu đen giống với tóc thật.
Những điều này khiến Saleem bác bỏ khả năng nạn nhân bị chôn sống, hoặc những người phụ tá đã không cẩn thận với khuôn mặt của bà.
Chuyên gia này đặt giả thuyết cho rằng biểu cảm của người phụ nữ nhiều khả năng xảy ra do quá trình co cứng tử thi. Điều này xảy ra khi một số cơ trên cơ thể co mạnh dù nạn nhân đã chết, khiến họ đôi khi xuất hiện trong trạng thái như thể đã chịu một cái chết đau đớn.
"Những người ướp xác có thể đã đưa cơ thể của người phụ nữ vào quan tài trước khi nó phân hủy hoặc giãn ra", Saleem lý giải. "Điều này dẫn tới hệ quả các cơ co giãn, và ngăn cản cái xác đóng miệng lại"
Số phận thực sự của người phụ nữ này, và cách bà chết, có lẽ sẽ không bao giờ được hé lộ.
Thế nhưng từ việc nghiên cứu hài cốt của bà, các nhà nghiên cứu mang đến cho chúng ta cái nhìn chi tiết hơn về quá khứ của nhân loại, cũng như những phong tục đối với xác chết cách đây nhiều năm.
Theo
www.sciencealert.com