Thông tin được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại hội thảo sáng 1/8. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) hiện là bộ chỉ số duy nhất tổng hợp và đa ngành phản ánh tổng thể hiện trạng kinh tế. Thứ trưởng cho hay khi PII 2023 công bố, nhiều địa phương còn gặp một số khó khăn và chưa thực sự khai thác được bộ chỉ số này.
Theo ông Minh, việc xếp hạng PII không phải chỉ quan tâm về thứ hạng, mà thông qua các chỉ số về thể chế, con người, môi trường kinh doanh, nghiên cứu phát triển, các địa phương nhìn nhận được các điều kiện nào giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra các địa phương vẫn tập trung mạnh phát triển kinh tế dựa trên sản xuất, chưa có nhiều hoạt động khai thác phát triển dựa trên khoa học công nghệ.
Để giúp các địa phương khai thác hiệu quả bộ chỉ số này, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo cung cấp thông tin, làm rõ cách khai thác kết quả, cách tính toán, hướng dẫn cách thu thập, khai thác dữ liệu, đặc biệt tài liệu minh chứng phục vụ tính toán chỉ số.
"Từ thành công của PII 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn các UBND tỉnh có điều chỉnh, nhận thức nhằm phát huy thực sự bộ chỉ số trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý điều hành cho mỗi địa phương", ông nói.
Khung chỉ số PII 2024 vẫn giữ đánh giá, điểm số và xếp hạng theo 52 chỉ số thành phần, thiết kế hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra (7 trụ cột). Trong đó các dữ liệu được thu thập từ địa phương là 13 chỉ số, đồng thời sử dụng kết quả từ các bộ chỉ số khác như cải cách hành chính; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chuyển đổi số; Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Võ Hưng, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cho biết cấu trúc và tiêu chí về khung chỉ số gần như giữ nguyên "dựa theo lời khuyên từ chuyên gia quốc tế". Tuy nhiên bộ chỉ số có thay đổi một số tính toán chỉ số thành phần, nguồn thu thập dữ liệu.
Cụ thể, ở trụ cột thể chế, liên quan đến việc ban hành và thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được bổ sung thêm lĩnh vực chính sách phát triển văn hóa, nghệ thuật và du lịch. Ở trụ cột vốn con người và nghiên cứu phát triển, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT cũng có thay đổi bằng cách tính điểm trung bình 5 môn thi, bổ sung thêm nhân văn bên cạnh kỹ thuật, khoa học. Hay các chỉ số về tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hay nguồn nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển cũng được bổ sung số liệu từ Tổng cục thống kê, Bộ ngành liên quan thay vì chỉ địa phương cung cấp như trước.
PII 2024 cũng tìm các chỉ số mới trong cách đánh giá để phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển như hạ tầng chung, quản trị môi trường, trình độ phát triển doanh nghiệp như giữa các địa phương có chênh lệch về số lượng doanh nghiệp chế biến chế tạo với doanh nghiệp dịch vụ. Theo ông Hưng, việc điều chỉnh bổ sung này dựa trên góp ý xếp hạng hiện tại còn thiên về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp mà chưa chú trọng các chỉ số dịch vụ, văn hóa. "Bộ chỉ số cũng điều chỉnh liên quan đến số đơn đăng ký và chỉ dẫn địa lý bằng việc xem xét cả số đơn đã nộp thay vì chỉ lấy số lượng đơn đã cấp", ông nêu.
Tại hội thảo, đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ cũng thảo luận về phương pháp, tiêu chí tính toán về tỷ lệ doanh nghiệp, chỉ số về sở hữu trí tuệ hay tính toán theo chỉ số tương đương... đồng thời được hướng dẫn thu thập và cung cấp dữ liệu, tài liệu minh chứng.
Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, các địa phương cần lưu ý trong thu thập dữ liệu, cung cấp tài liệu minh chứng đầy đủ về chỉ số. Ông mong muốn việc tiếp cận bộ chỉ số theo cách xếp hạng ranking (thứ hạng) được chuyển sang cách xếp hạng rating (xếp hạng theo đánh giá cấp độ sao) để thấy hiện trạng của từng địa phương, qua đó so sánh được với các địa phương khác.
Một hội thảo nội dung tương tự cũng được tổ chức tại TP HCM vào ngày 8-9/8.
Năm 2023, lần đầu tiên bộ chỉ số được Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trên toàn quốc. Bộ chỉ số hướng đến cung cấp bộ công cụ có cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp để ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, cũng như cung cấp thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương.
Ở lần xếp hạng đầu tiên, trong 10 địa phương dẫn đầu có 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội (xếp hạng 1), TP HCM (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Đà Nẵng (hạng 4), Cần Thơ (hạng 5) và 5 địa phương có công nghiệp phát triển nhất là Bắc Ninh (hạng 6), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Quảng Ninh (hạng 9) và Thái Nguyên (hạng 10).
Như Quỳnh